Ngày xưa, người bốn mươi tuổi đã được trong làng, trong họ quý như lão ông. Lịch sử Việt Nam, đời nhà Trần thế kỷ 12 và 13, vua Trần 40 tuổi nhường ngôi cho con lên trông coi việc nước, còn nhà vua thì nghỉ ngơi và đi tu.

Trong làng, 50 tuổi làm lễ lên lão. Dẫu không phải các nhà chức sắc trong làng, nhưng những dịp hội hè đình đám, các cụ lão ra chốn đình trung ngồi riêng cỗ trên chiếu cạp điều. Phong tục trọng lão ấy đến bây giờ vẫn được giữ gìn và còn sâu xa ý nghĩa hơn.

Ngày nay, trong gia đình khi có ông bà, cha mẹ ở tuổi 70, 80, 90... thì con cháu thường tổ chức mừng thọ. Lễ mừng thọ thường nhằm dịp sinh nhật hoặc ngày xuân (dịp Tết Nguyên Đán). Đây là dịp con cháu báo hiếu ông bà, cha mẹ. Lễ tổ chức to hay nhỏ đều thể hiện được niềm vui của gia đình vì có người sống thọ. Mỗi xã, mỗi phường ngày nay hầu hết có Hội Người cao tuổi. Các lão ông, lão bà được trọng vọng như nhau. Khi các cụ bảy, tám mươi tuổi được Hội Người cao tuổi đến chúc mừng, chụp ảnh, tặng quà lưu niệm. Những dịp như thế này mang lại cho các cụ tình cảm ấm áp của thế hệ các con các cháu, của phố phường, làng xã mà không cảm thấy cô đơn khi tuổi già, sức yếu lúc cuối đời.