VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Môn phái Vovinam Việt Võ Đạo do Cố Võ sư Nguyễn Lộc sáng tạo tại Hà Nội, Việt Nam. Ông sinh ngày 24-5-1912 (nhằm mồng tám, tháng tư, năm Nhâm Tý), nguyên quán ở làng Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Tỉnh Sơn Tây (nay thuộc tỉnh Hà Tây), trưởng nam của cụ ông Nguyễn Đình Xuyến và cụ bà Nguyễn Thị Hòa. Từ thuở nhỏ, Ông Nguyễn Lộc đã say mê luyện võ và vật dân tộc. Trưởng thành trong thảm cảnh đất nước bị thực dân Pháp chiếm đóng, ông có ước vọng dùng võ thuật để góp phần xây dựng một thế hệ thanh niên có tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, khỏe mạnh và khả năng tự vệ. Thế nên, ngoài việc trau dồi văn hóa, ông còn nghiên cứu nhiều môn võ khác nhằm hình thành môn võ mới phù hợp với thể tạng của người Việt Nam (mảnh khảnh nhưng nhanh lẹ, dẻo dai) và đặt tên là Vovinam.

Sau khi công trình nghiên cứu hoàn thành vào mùa thu năm 1938, ông huấn luyện thử nghiệm cho một số thân hữu. Ngót một năm sau, ông đưa lớp môn sinh nầy ra mắt quần chúng tại Nhà Hát Lớn Hà Nội. Cuộc biểu diễn thành công rực rở và lớp tập Vovinam công khai đầu tiên khai giảng tại Trường Sư Phạm Hà Nội vào mùa xuân 1940. Từ đó, nhiều lớp võ liên tục được mở ra ở Hà Nội và vài tỉnh lân cận như Nam Định, Sơn Tây, Thanh Hóa. Chương trình huấn luyện thời kỳ nầy chia thành 3 cấp (sơ, trung, cao đẳng) chú trọng cả 3 nội dung (võ thuật, võ lực, võ đạo), nhưng không mấy ai học quá 3 năm, một phần vì thời cuộc, một phần vì bận học hành, mưu sinh.

Từ thập niên 50, Vovinam được phổ biến tại Sài Gòn, Gia Định, Biên Hòa, Đà Lạt. Nhưng công việc mới khởi đầu và còn đầy khó khăn thì Ông Nguyễn Lộc qua đời vào ngày 29-4-1960 (nhằm mồng bốn, tháng tư, năm Canh Tý, hưởng dương 49 tuổi) tại Sài Gòn, nay là Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM), sau khi trao nhiệm vụ Chưởng môn lại cho môn đệ trưởng tràng là Võ sư Lê Sáng. Hiện di cốt Cố Võ sư Nguyễn Lộc đang được bảo quản tại số 31 đường Sư Vạn Hạnh, quận 10, TPHCM. Tuy nhiên, do chế độ Sài Gòn hạn chế hoạt động của các võ phái nên trong giai đoạn từ 1961-1963, Vovinam chỉ dạy ở vài trường trung học tư thục như : Chân Phước Liêm, Thánh Thomas và đến năm 1964 Vovinam mới khôi phục.

Thừa kế những ý tưởng của Cố Võ sư Nguyễn Lộc, Võ sư Chưởng môn Lê Sáng cùng Võ sư Trần Huy Phong, Nguyễn Văn Thư, Mạnh Hoàng, đã sắp xếp lại bộ máy, chương trình huấn luyện, thi cử, đẳng cấp mang tính khoa học và hiện đại hơn. Nhờ thế, phong trào dần dần phát triển mạnh tại hầu hết các tỉnh phía Nam. Từ khi lớp huấn luyện được mở ra trong các trường học (khoảng 1966), danh xưng Vovinam được bổ sung thành Vovinam-Việt Võ Đạo để thanh thiếu niên chú trọng đến tinh thần dân tộc khi luyện võ hầu hoàn chỉnh bản thân về 3 phương diện : Tâm, Trí, Thể nhằm phục vụ cho dân tộc và nhân loại. Và theo chân các du học sinh, bộ môn Vovinam xuất hiện ở một số nước châu Âu từ năm 1973.

Do hoàn cảnh của đất nước, sau một năm tạm lắng, một số võ sư, huấn luyện viên đã tập hợp và ôn luyện tại Quận 8 TPHCM, sau đó đi biểu diễn ở vài nơi khác... Ngày 15-12-1978, lớp Vovinam Việt Võ Đạo chính thức khai giảng tại Hồ Bơi Hòa Bình, quận 8 do Võ sư Nguyễn Văn Chiếu hướng dẫn, mở đầu quá trình khôi phục bộ môn trong thành phố. Và từ khoảng thời điểm nầy đến giữa thập kỷ 80, một số võ sư ở tỉnh Cần Thơ, Vĩnh Long, Khánh Hòa, Bình Định Qui Nhơn, Phú yên cũng xin phép mở lớp huấn luyện. Vovinam Việt Võ Đạo được mời tham dự đợt Hội Thao Võ Thuật do Viện Khoa học Giáo dục và trường Cao Đẳng Thể dục Trung Ương 2 tổ chức tại TPHCM (6/1980); huấn luyện cho Lớp nghiên cứu Võ thuật phía Nam của Cục Cảnh vệ Bộ Nội Vụ (Khóa tập trung 4 tháng -1985).

Năm 1989, Hội Việt Võ Đạo TPHCM thuộc Liên Đoàn Võ Thuật TPHCM được thành lập, đây là sự kiện đáng chú ý vì có ảnh hưởng đến chuyên môn, nhân sự cùng với sự quan tâm của các tỉnh thành khác đối với bộ môn Vovinam. Trước sự hồi phục của phong trào và những cố gắng của các Võ sư Trần Huy Phong, Nguyễn văn Chiếu trong việc thể thao hóa bộ môn, Vovinam được Tổng Cục Thể dục Thể thao (nay là Uỷ Ban Thể dục Thể thao) đưa vào chương trình Hội diễn Kỹ thuật khu vực 3 (1990). Cũng trong năm nầy, 4 Võ sư của TPHCM (Nguyễn Văn Chiếu, Lê Thanh Liêm, Tô Mạnh Hòa, Nguyễn Anh Dũng) được mời sang Belarus, Liên Xô biểu diễn, đồng thời cử người lưu lại huấn luyện.

Nhằm tạo điều kiện cho Vovinam Việt Võ Đạo phát triển, ngành thể dục thể thao các tỉnh, thành và Tổng Cục TDTT đã cho tổ chức giải vô địch cấp tỉnh, thành phố và toàn quốc từ năm 1992. Vài năm sau còn có thêm các giải Khu vực, Trẻ, Thiếu niên nhi đồng, giải Hội khỏe Phù đổng (học sinh), giải quốc tế. Nội dung tranh tài bao gồm : Hội diễn kỹ thuật và thi đấu đối kháng cá nhân. Trải qua 10 giải vô địch cấp quốc gia, số đoàn tham dự ngày càng đông, trình độ vận động viên ngày một tiến bộ; đặc biệt, từ năm 1997, vận động viên giành thành tích cao tại giải vô địch toàn quốc đã được Uỷ Ban TDTT phong cấp kiện tướng như các môn thể thao khác. Vài đơn vị mạnh ở giải toàn quốc trong vài năm gần đây là :TPHCM, Khánh Hòa, Cần Thơ, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Quân Đội.

Về lĩnh vực quản lý và chuyên môn, Tổng Cục TDTT đã thành lập Ban Điều Hành Vovinam Việt Võ Đạo vào tháng 4-1995. Hàng năm, Ban Điều hành đều tổ chức hội nghị chuyên môn để các võ sư ôn tập, thống nhất chương trình huấn luyện, từng bước hoàn chỉnh luật thi đấu đối kháng, luật hội diễn kỹ thuật, nghiệp vụ Trọng tài, biên soạn sách kỹ thuật, băng hình thống nhất các bài diễn quốc gia. Song song đó, 3 lớp tập huấn đào tạo hướng dẫn viên Vovinam ở Tỉnh Thanh Hóa, Hà Tây, Quảng Bình dành cho các tỉnh phía Bắc đã tạo điều kiện cho khu vực nầy xây dựng bộ môn và dần dần hòa nhập vào phong trào chung. Tính đến tháng 12-2001, Vovinam quy tụ khoảng 30.000 môn sinh thường xuyên luyện tập tại hầu hết các tỉnh thành phía Nam và 1 số tỉnh phía Bắc.

Trên bình diện quốc tế, các võ sĩ của TPHCM, Bà Rịa Vũng Tàu, Quân Đội... từng được ngành TDTT cử tham dự nhiều cuộc Liên hoan Võ thuật truyền thống quốc tế tại Thái Lan, CHLB Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản. Những tiết mục biểu diễn hấp dẫn và nghệ thuật của Vovinam đã góp phần giúp bè bạn năm châu hiểu thêm về đất nước và con người Việt Nam, được người xem nhiệt liệt tán thưởng và giới võ thuật thế giới quan tâm. Võ sư Nguyễn Văn Chiếu đã được mời sang Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Đức huấn luyện. Một số quốc gia đã mở lớp tập Vovinam như Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Ý, Thụy Sĩ, Rumani, Ba Lan, Bỉ, Moroccom Algérie, Belarus; trong đó, phong trào Vovinam ở Pháp, Tây Ban Nha, Ý ナ phát triển khá tốt. Với tinh thần "Uống nước nhớ nguồn", nhiều đoàn môn sinh nước ngoài đã về đất Tổ để viếng Cố Võ sư Sáng tổ Môn phái, chào Võ sư Chưởng Môn, tập huấn kỹ thuật, thi thăng đai hoặc tham dự 4 kỳ Hội diễn Vovinam Việt Võ Đạo quốc tế (1998-2001) tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Với những thành quả bước đầu trong hơn 25 năm qua, Vovinam Việt Võ Đạo được Uỷ Ban TDTT Việt Nam đưa vào nội dung thi đấu chính thức tại Đại Hội TDTT toàn quốc lần IV năm 2002. Đây là cả quá trình hy sinh, vượt khó của tập thể Võ sư, HLV và môn sinh trong cả nước dưới sự lãnh đạo của ngành TDTT. Gần 65 năm trôi qua, từ một môn phái mới manh nha tại Hà Nội, Vovinam Việt Võ Đạo đã bám rể và thăng hoa trên mãnh đất Sài Gòn - TPHCM; đồng thời mở rộng sang nhiều tỉnh, thành và một số quốc gia khác; đóng góp một phần không nhỏ vào công cuộc bảo tồn và phát huy võ học dân tộc; trở thành một môn võ Việt Nam hiện đại, khoa học, thực tiễn, thu hút sự ủng hộ của nhiều giới trong và ngoài nước.