Ngô Vương (939-944) Hậu Ngô Vương (950-965)

♦ Ngô Quyền phá quân Nam Hán:

Ngô Quyền là bộ tướng của Dương Ðình Nghệ sinh ngày 12 tháng 3 năm Ðinh Tỵ (897) ở Ðường Lâm (Ba Vì - Hà Tây). Cha của Ngô Quyền là Ngô Mâm, một hào trưởng có tài. Lớn lên trên quê hương có truyền thống bất khuất, nơi sinh sản và nuôi dưỡng người anh hùng dân tộc Phùng Hưng, Ngô Quyền sớm tỏ rõ trí khí phi thường hiếm thấy. Vốn thường xuyên luyện tập võ nghệ nên tiếng tăm Ngô Quyền lan rộng cả một vùng. Sách Ðại Việt sử ký toàn thư mô tả Ngô Quyền “vẻ khôi ngô, sức có thể nhấc vạc, giơ cao”. Vì có tài nên Dương Ðình Nghệ giao cho Ngô Quyền cai quản đất Ái Châu và gả con gái cho.

Congdongviet net -200330-202359.PNG

Trong 5 năm (934-938), Ngô Quyền đã đem lại yên vui cho đất Ái Châu, tỏ rõ là người có tài đức. Khi Dương Ðình Nghệ bị Kiều Công Tiễn giết hại và vua Nam Hán là Lưu Cung cho con là Vạn Vương Hoằng Tháo đem quân sang xâm lược nước ta, Ngô Quyền đã nhanh chóng tập hợp lực lượng để trừ nội phản, diệt ngoại xâm. Từng hâm mộ tài đức của Ngô Quyền, hào trưởng từ nhiều nơi đem binh về với Ngô Quyền. Ðầu mùa đông năm Mậu Tuất (938), Ngô Quyền đem quân vượt qua đèo Ba Dội, tiến như vũ bão vào Ðại La, bắt giết tên nội phản Kiều Công Tiễn, bêu đầu hắn trước cổng thành. Thù trong đã diệt xong, Ngô Quyền rảnh tay đối phó với giặc ngoài. Ðem quân xâm lược nước ta, chưa biết thắng bại ra sao, Lưu Cung đã vội phong cho con tước Giao Vương (tước vương đất Giao Chỉ). Lưu Cung còn đích thân đốc quân ra đóng ở trấn Hải Môn để sẵn sàng chi viện.

Ðể chống lại giặc mạnh, Ngô Quyền đưa ra kế hoạch độc đáo. Ông cho bố trí một trận địa cọc nhọn bịt sắt cắm xuống lòng sông Bặch Ðằng khi nước triều lên ông cho quân ra khiêu chiến, quân Nam Hán đuổi theo, thuyền giặc vào bên trong hàng cọc, đợi khi thuỷ triều xuống sẽ dốc toàn sức tiêu diệt địch bằng một trận quyết chiến nhanh gọn. Tháng 12 năm Mậu Tuất (938) các chiến thuyền của giặc hùng hổ vượt biển tiến vào sông Bạch Ðằng. Chúng nghênh ngang tràn vào trận địa mai phục của Ngô Quyền. Bị đánh bất ngờ nên chỉ trong một thời gian ngắn thuyền giặc bị đắm gần hết, quân giặc bị chết quá nửa, máu chảy loang đỏ khúc sông, Hoằng Tháo cũng bị đâm chết tại trận. Tin thất trận ở sông Bạch Ðằng cùng với tên Hoằng Tháo bị giết khiến vua Nam Hán kinh hoàng phải khóc lên, thu nhặt tàn binh rút chạy.

Vua Nam Hán trước tên là Nham sau đổi là Thiệp rồi sau đó “vì có rồng trắng hiện lên” nên đổi là Cung. Bị thất trận, vua Nam Hán cho tên Cung là xấu và đã đổi tên khác là Yểm tức Lưu Yểm.

Sau chiến thắng, Ngô Quyền xưng vương, bãi chức tiết độ sứ, đóng đô ở Cổ Loa (Hà Nội). Ðể củng cố trật tự chiều chính, Ngô Quyền đặt ra các chức quan văn võ, quy định nghi lễ trong triều. Ðáng tiếc, thời gian trị vì của Ngô Quyền quá ngắn ngủi, chỉ được 6 năm (939-944) thì mất, thọ 47 tuổi.

♦ Dương Tam Kha:

Thời trẻ, Ngô Quyền lấy con gái Dương Ðình Nghệ. Khi Ngô Quyền lên ngôi vua, Dương Thị được lập làm Vương Hậu. Khi sắp mất, Ngô Vương uỷ thác con là Ngô Xương Ngập cho Dương Tam Kha là em Dương Hậu. Lợi dụng cháu nhỏ, Dương Tam Kha cướp ngôi của cháu tự xưng là Bình Vương. Ngô Xương Ngập thấy biến, chạy trốn vào Nam Sách (Hải Dương) vào ở ẩn nhà Phạm Lệnh Công. Dương Tam Kha sai quân đi đuổi bắt, Phạm Lệnh Công đem Xương Ngập trốn trong núi, Dương Tam Kha bắt em Ngô Xương Ngập là Ngô Xương Văn làm con nuôi. Năm Canh Tuất (950) nhân có loạn ở Sơn Tây, Dương Tam Kha sai Ngô Xương Văn cùng tướng Dương Cát Lợi và Ðỗ Cảnh Thạc đem quân đi đánh. Ðến Từ Liêm, Ngô Xương Văn mưu với 2 tướng đem quân trở về bắt Dương Tam Kha, Ngô Xương Văn nghĩ tình cậu cháu không nỡ giết chỉ giáng Tam Kha xuống làm Chương Dương Công.

♦ Hậu Ngô Vương (950-965):

Ngô Xương Văn gạt bỏ Dương Tam Kha xưng là Nam Tấn Vương và sai người tâm phúc đi đón anh là Ngô Xương Ngập về cùng trông coi việc nước. Ngô Xương Ngập xưng là Thiên Sách Vương. Cả hai anh em đều làm vua, sử gọi là hậu Ngô Vương.

Làm vua được ít lâu, Thiên Sách Vương nghĩ cách trừ Nam Tấn Vương để một mình làm vua. Âm mưu đó chưa kịp thi hành thì năm Giáp Dần (954) Thiên Sách Vương mất. Ðến lúc này, thì lực nhà Ngô ngày một suy yếu, thổ hào các nơi xưng là sứ quân ra sức chống đối buộc Nam Tấn Vương phải thân chinh đi đánh dẹp. Năm Ất Sửu (965) trong một trận giao chiến ở Thái Bình (Đường Lâm, Sơn Tây), Nam Tấn Vương không may bị giặc bắn chết, làm vua được 15 năm. Con Thiên Sách Vương là Ngô Xương Xí nối nghiệp lên làm vua về giữ đất Bình Kiều, Thanh Hoá. Như vậy, triều Ngô bắt đầu từ Ngô Quyền, qua Ngô Xương Ngập, Ngô Xương Văn, đến Ngô Xương Xí, truyền được 3 đời, kéo dài 26 năm. Ðến Ngô Xương Xí trong nước có cả thảy 12 sứ quân, gây ra loạn lạc nồi da nấu thịt kéo dài hơn 20 năm, 12 sứ quân đó là:

1. Ngô Xương Xí, giữ Bình Kiều (Triệu Sơn - Thanh Hoá).
2. Ðỗ Cảnh Thạc, giữ Ðỗ Ðộng Giang (Thanh Oai - Hà Tây).
3. Trần Lãm, giữ Bố Hải Khẩu (Kỳ Bố, Thái Bình).
4. Kiều Công Hãn, giữ Phong Châu (Bạch Hạc, Phú Thọ).
5. Nguyễn Khoan giữ Tam Ðái (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc).
6. Ngô Nhật Khánh, giữ Ðường Lâm (Phúc Thọ, Hà Tây). 7. Lý Kê, giữ Siêu Loại (Thuận Thành, Bắc Ninh).
8. Nguyễn Thủ Tiệp, giữ Tiên Du (Bắc Ninh).
9. Lữ Ðường, giữ Tên Giang (Vân Giang, Hưng Yên).
10. Nguyễn Siêu, giữ Tây Phù Liệt (Thanh Trì, Hà Nội).
11. Kiều Thuận, giữ Hởi Hồ (Cẩm Khê, Phú Thọ).
12. Phạm Bạch Hổ, giữ Ðằng Châu (Hưng Yên).

Những sứ quân ấy cứ đánh lẫn nhau, nhằm bành trướng thế lực khiến cho nhân dân vô cùng khổ sở. Về sau Ðinh Bộ Lĩnh ở Hoa Lư dẹp loạn sứ quân, quy giang sơn về một mối lập lên cơ nghiệp nhà Ðinh.