Vị trí: Xã Long Thành Bắc, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, cách thành phố Tây Ninh 4km về phía đông nam, cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 100km về phía tây bắc.
Đặc điểm: Đây là một cụm công trình kiến trúc, nghệ thuật, tôn giáo nổi tiếng của đạo Cao Đài và là trị sở Trung ương của Giáo hội Cao Đài Tây Ninh.
Được khởi công xây dựng vào năm 1933 và chính thức khánh thành vào năm 1955, tòa thánh Cao Đài Tây Ninh là nơi thờ Thiên Nhãn - biểu tượng thiêng liêng của đạo Cao Ðài. Ngoài việc thờ Thiên Nhãn, đạo Cao Ðài còn thờ Phật Thích Ca, Phật Bà Quan Âm, Chúa Giêsu, Khổng Tử, Lão Tử,...Theo kinh sách Cao Đài, tòa thánh tượng trưng cho Bạch Ngọc Kinh (nơi Thượng Đế ngự) tại thế gian.
Tọa lạc trong khuôn viên rộng khoảng 40km², toàn bộ tòa thánh Cao Đài Tây Ninh bao gồm gần 100 công trình kiến trúc lớn nhỏ khác nhau, được xây bằng bê tông cốt tre. Tòa thánh có 12 cổng, các cổng đều được chạm khắc hình Tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng) và hoa sen. Trong đó, chánh môn là cửa lớn nhất với cách trang trí khác biệt mang hình lưỡng long tranh châu, hoa sen cùng 3 cổ pháp: kinh Xuân Thu, bình Bát vu và Phất trần, thể hiện tinh thần tam giáo (Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo). Trên chánh môn có đắp nổi chữ "ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ" bằng chữ Quốc ngữ ở trên và chữ Hán ở dưới.
Từ chánh môn, đi theo con đường dẫn thẳng về phía đông sẽ đến trung tâm khuôn viên của tòa thánh. Tại đây có 3 bảo tháp - nơi thờ ba vị: Đức Hộ Pháp, Đức Thượng Phẩm và Đức Thượng Sanh. Qua các tháp là sân Đại Đồng Xã, nơi có tượng Thái tử Siddharta cưỡi ngựa tìm Đạo, theo sau là người hầu cận Channa. Tiếp theo là Cửu Trùng Thiên (nơi đặt di cốt của các chức sắc đạo Cao Đài được phong từ bậc Tiên trở lên) có hình bát quái với 9 bậc và được sơn ba màu vàng, xanh, đỏ. Gần đó là cây bồ đề cổ thụ do Đại đức Thera Narada mang từ Ấn Độ sang tặng Tòa thánh vào năm 1953. Cách cây bồ đề không xa là hai khán đài - một ở phía đông gọi là Đông khán đài và một ở phía tây gọi là Tây khán đài - nơi tín đồ hành hương và du khách về xem rước Cộ mẫu vào 2 kỳ Đại lễ mỗi năm.
Qua khuôn viên, du khách sẽ tới tòa thánh. Nhìn tổng thể, tòa thánh mang hình tượng Long Mã bái sư - là con vật linh huyền thoại mang Hà đồ trên mình, gợi ý cho vua Phục Hy (người đầu tiên trong ba vị vua huyền thoại của Trung Quốc cổ) vẽ nên Bát Quái Tiên Thiên. Với chiều dài 97,5m, chiều rộng 22m, tòa thánh mang những đặc trưng tiêu biểu cho kiến trúc đền, chùa của tôn giáo Cao Đài, thể hiện sự hài hoà giữa mỹ thuật Á Đông và phương Tây. Chung quanh tòa thánh, cả bên trong và bên ngoài, có tất cả 156 cột tròn lớn nhỏ để chống đỡ các mái hiên ở hành lang.
Mặt tiền tòa thánh là khu vực Hiệp Thiên Đài như đầu Long Mã nhìn thẳng về phía tây. Hai bên lối vào tòa thánh là lầu chuông (bên trái) có tên Bạch Ngọc Chung Đài và lầu trống (bên phải) có tên Lôi Âm Cổ Đài. Cả hai lầu đều cao 27m, bao gồm 6 tầng với chiều cao khác nhau. Lối vào chính của tòa thánh có tên Tịnh Tâm Đài như miệng Long Mã hả ra. Phía trên Tịnh Tâm Đài có một bao lơn xây hình bán nguyệt, tên là Lao Động Đài. Trên Lao Động Đài là Phi Tưởng Đài hay Thông Thiên Đài như cái trán của Long Mã với 2 cửa được coi như hai con mắt của Long Mã. Phía ngoài Thông Thiên Đài được đắp nổi biểu tượng Thiên Nhãn. Qua 5 bậc thềm của Tịnh Tâm Đài là khu vực Tịnh Tâm Điện. Tầng trên của Tịnh Tâm Điện là lầu Hiệp Thiên Đài – nơi thờ 15 vị chức sắc cao cấp: Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh và 12 vị Thời Quân.
Nối tiếp với khu vực Hiệp Thiên Đài là Cửu Trùng Đài có hình dáng như phần thân của Long Mã. Khu vực này có 18 cột trụ chia làm hai phần, được trang trí hình rồng, chạm khắc tinh xảo. Các hàng cột này phân khu vực Cửu Trùng Đài thành 9 gian, mỗi gian có độ cao chênh nhau 18cm, gọi là “Cửu phẩm thần tiên”. Đây là khu vực hành lễ của mỗi phẩm cấp tín đồ trong Cửu Trùng Đài. Riêng hàng cột ở giữa có cầu thang cuốn và bao lơn, nơi chức sắc đứng để giảng đạo cho các tín đồ gọi là Giảng Đài. Ở 3 gian cuối khu vực Cửu Trùng Đài có đặt 7 ghế, giành cho 7 vị chức sắc cao cấp nhất của Cửu Trùng Đài. Cao nhất là ghế của Giáo Tông chạm hình rồng, tiếp theo là 3 ghế của 3 vị Chưởng Pháp chạm hình phụng, cuối cùng là 3 ghế của 3 vị Đầu Sư chạm hình lân. Phía trên gian cuối của Cửu Trùng Đài có một đài cao 17m, gọi là Nghinh Phong Đài.
Nằm ở phía cuối tòa thánh là khu vực Bát Quái Đài hướng thẳng về phía đông, giống phần đuôi của Long Mã. Gian này có 8 cột trụ xếp thành hình Bát quái, ở giữa là quả địa cầu lớn tượng trưng cho vũ trụ với hình Thiên Nhãn ở chính giữa và 3072 vì sao tượng trưng cho 72 quả địa cầu và 3000 thế giới ở xung quanh.
Trong khuôn viên tòa thánh còn có nhiều công trình kiến trúc khác như : Hạnh Đường (nơi hội họp và mở khóa huấn luyện tu sĩ), Giáo Tông Đường, Hộ Pháp Đường, Nữ Đầu Sư Đường, nhà làm việc của cơ quan Hiệp Thiên Đài, nhà Vạn Linh, Bắc Tông, Trung Tông, Tần Nhơn, Khách đình, Thuyền Bát Nhã, bệnh viện, trường học, các xưởng thợ..., đặc biệt là Đền thờ Phật Mẫu, nơi thờ Cộ mẫu - Mẹ thiêng liêng của nhân loại và Bá Huê Viên ở phía đối diện đền.
Thông tin thêm: Giờ lễ chính trong ngày tại tòa thánh được tổ chức vào 12h trưa. Du khách có thể thăm tòa thánh vào bất kì thời gian nào trong ngày nhưng cần lưu ý một số quy tắc chung như: khi vào không được mang giầy dép, giữ gìn vệ sinh chung; chỉ được vào ở cửa hai bên: nam giới đi cửa bên phải và nữ giới đi cửa bên trái.