Chơi diều chủ yếu ở các làng bên sông, có vùng bãi rộng, có triền đê cao lộng gió, thả sức nới dây cho diều lên cao không vướng mắc. Diều làm say mê mọi lứa tuổi, thú chơi trang nhã của đồng quê.

Tùy lứa tuổi mà làm các loại diều khác nhau. Có loại lớn bồi bằng vải, hoặc hai lượt giấy bản phất cậy, dài tới vài mét, hình cánh cung vút cong như một vầng trăng khuyết. Có thể đặt một hay nhiều sáo. Sáo có bốn loại thể:

- “Sáo cồng” bằng cả ống tre dài hai gang, khoét lỗ sao cho lọt gió, thổi nên tiếng âm vang giống tiếng cồng.

- “Sáo đẩu” có tiếng kêu rền rĩ như than thở.

- “Sáo còi” tiếng phát ra the thé.

- “Sáo chim” nghe giống như chim hót.

Khung diều phải làm bằng tre cật vót nhẵn, kết cấu bằng các khung nan ngang dọc, các chạc giằng bằng mây, tạo được thế cân bằng.

Diều phải có dây lèo như một thứ bánh lái điều chỉnh thăng bằng, đỡ cho hai cánh diều không bị gió bẻ gẫy.

Dây thả nối vào dây lèo làm bằng tre cật già không có đốt kiến, sâu mọt, vót đều, nối chắc lại với nhau cho dài dăm trăm sải tay. Cũng có nơi làm dây mây. Lại phải đem luộc cho thêm độ dẻo.

Làm diều là một nghệ thuật, thả diều đòi hỏi kỹ thuật cao.

Diều lớn phải năm sáu người nâng cho cân hai cánh, lựa chiều gió đâm thẳng vút lên, người kéo dây chạy đưa đà cho diều cứ thế bốc dần lên, không chao đảo, không sậm sựt. Càng lên cao, nong gió, tiếng sáo mới âm vang, tỏa rộng, ngân đều.

Trẻ em làm diều cánh cung loại nhỏ, loại nhỡ, có sáo con hoặc không.

Đơn giản nữa làm diều cánh phản, khung tre hình vuông, có chùm đuôi dài bằng giấy bay lất phất, cũng vui lắm.

Từ thả diều chơi, người ta đi tới thi diều sáo, thả vào lúc hoàng hôn, rồi để diều cứ bay qua đêm, qua vài ngày, nghe tiếng sáo, tính độ cao, nhìn dáng bay đẹp không chao lắc, dây diều không võng mà định giải.

Lại còn thi chọi diều, điều khiển dây cho hai diều đấu đầu nhau, đánh nhanh, đánh mạnh, đánh trúng làm hỏng diều đối phương càng nhanh càng tốt.

Nhưng có lẽ thi diều hay hơn là chọi diều, phá hoại công trình của nhau thì có được giải cũng chẳng mấy thích thú.