Họ cũng sửa soạn Tết, cũng gói bánh chưng, cũng làm các thứ bánh. Bánh chưng của họ gói tròn và họ gọi là bánh tày, tuy nguyên liệu làm bánh cũng như người Kinh: gói bằng lá dong, bánh bằng gạo nếp, có nhân đậu và thịt hoặc đường với đậu xanh dùng để cúng Phật.

Ngày Tết họ cũng sắm quần áo mới để ngoài Giêng chơi xuân, và để thưởng thức Tết, trong nhà cũng trang hoàng sửa sang. Họ cũng làm cỗ bàn cúng bái.

Trong những ngày hội đầu xuân, họ cũng có nhiều trò vui như hội hè ở miền xuôi, song cũng nhiều khi rất khác.

Dưới đây là tóm lược mấy trò vui đặc biệt của đồng bào Thổ trong những hội xuân.

Hát lượn

Hát lượn cũng giống như hát đúm ở miền xuôi, hoặc hát hò ở miền Nam. Đây là lối hát giao duyên giữa nam thanh nữ tú nhưng riêng của trai gái miền thượng du miền Bắc. Tại khắp các hội xuân của đồng bào Thổ, và cả của đồng bào Mán thuộc mấy tỉnh Vĩnh Yên, Phú Thọ, Tuyên Quang nữa, - hội Tam Lộng tỉnh Vĩnh Yên vào ngày mồng 9 tháng Giêng (Châu Ôn tỉnh Lạng Sơn), hội Kỳ Lừa ngày mồng 10 tháng Giêng... trai gái miền sơn cước rủ nhau tới hội hát lượn.

Trong câu hát cùng những lời đằm thắm, những câu ân tình, trai gái thanh xuân hát lượn với nhau quên ngày giờ và quên cả các trò vui khác.

Vừa lượn họ vừa đưa sóng mắt nhìn nhau để hát thêm tình tứ, để tim họ thêm rung động. Họ cùng nhau tính đến ngày mai qua câu hát, họ hứa hẹn thề bồi cùng nhau sẽ như chim liền cánh, như cây liền cành.

Nam xướng, nữ hoạ, nam đối nữ đáp, trai một câu rồi đến gái một câu, họ quên giá lạnh của miền núi, họ không biết đến sự ồn ào ở chung quanh, họ chỉ biết trao đổi cùng nhau những lời êm dịu. Họ ở lại hội rất muộn, rồi lúc về bản, đi đường, đôi khi họ còn hát tiếp.

Đánh còn

Đánh còn cũng là một trò vui đặc biệt của người thượng du miền Bắc. Đây là một môn du hí lưu truyền từ đời Hùng Vương, nghĩa là từ khi còn có các quan Lang và các cô Mỵ Nương. Hàng năm, tại hội đền Hùng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ đều có tổ chức đánh còn.

Còn là một trò chơi quý phái của nữ nhi, hay nói cho đúng là của các cô tiểu thư con các Lạc hầu, Lạc tướng.

Lưu truyền tới ngày nay, môn du hí này vẫn giữ nguyên nếp chơi của thời trước, cũng chỉ dành riêng cho các cô sơn nữ, ở Phú Thọ cũng như ở Lạng Sơn, ở Cao Bằng cũng như ở Bắc Cạn.

Còn là một trái cầu to bằng quả cam lớn, khâu bằng vải, trong nhồi bông, hoặc cỏ mềm hoặc vải vụn. Bên ngoài còn bọc bằng vải mềm, có rua ngũ sắc trông sặc sỡ rất đẹp.

Đánh còn thường được tổ chức trên một khoảng đất rộng. Giữa khoảng đất này có trồng một thân cây tre cao. Trên ngọn cột tre, ngoài những lá cờ ngũ sắc phấp phới biểu hiện của đình đám ngày xuân, còn có một vòng tre đường kính ước độ già hai gang tay, có quấn giấy màu xanh đỏ.

Các thiếu nữ chơi còn đứng về hai phía sân còn đối diện nhau để lần lượt thi ném quả cho lọt qua chiếc vòng tre trên đỉnh ngọn cột cờ. Khán giả phần nhiều là các chàng trai, đứng vây quanh sân còn.

Muốn ném còn, các cô sơn nữ cầm rua quả còn đưa tay quăng vọt lên. Quả còn lướt qua ngọn cột tre, những dây rua ngũ sắc cũng lướt xoè ra trông rất ngoạn mục. Thường thường, trái còn chỉ đi sát bên chiếc vòng tre, ít khi trúng vào giữa vòng còn. Mỗi lần trái còn đi trúng qua giữa vòng còn, khán giả thưởng hò reo khen ngợi khuyến khích.

Các cô sơn nữa say mê ném còn, đua nhau mong tung trái còn qua vòng còn. Các cô vừa ném còn, có khi vừa ca những câu hát cổ truyền. Ném còn trúng đích các cô rất hãnh diện, không những với chúng bạn chơi mà nhất là với các chàng trai khán giả... Các chàng trai gọi tên cô gái để ca tụng, các cô càng cố gắng hơn.

Trái còn văng đi, trái còn đánh lại; những tầm con mắt ngước theo đà còn và có những con tim hồi hộp khi trái còn từ từ lướt tới vòng còn.

Nhiều cô sơn nữ ném trái còn để đoán cuộc nhân duyên của mình. Còn ném trúng đích, các cô hân hoan sung sướng, các cô tin rằng sẽ may mắn trong yêu đương.

Cuộc chơi còn thường kéo dài suốt mấy ngày hội và hàng ngày chỉ được ngừng rất muộn vào lúc bóng chiều dần xuống.