Phong tục thuần tuý Việt Nam trong dịp Tết là tục tảo mộ cuối năm hay vào những ngày đầu năm mới. Vào những ngày cuối năm hay đầu năm, các gia đình thường tụ họp ở nghĩa địa để sửa sang, quét dọn phần mộ của tổ tiên và những thân quyến quá cố. Họ đem hương hoa lễ vật bày ở mộ và "cung thỉnh" hương hồn những người quá vãng về nhà ăn Tết cùng con cháu...

Tục tảo mộ Tết này, trước các thời kỳ chiến tranh vẫn còn được duy trì nhiều nơi ở miền Bắc và nhiều tỉnh ở miền Trung như ở Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa v.v... Theo sách "đại Nam thống Chí", nhiều nơi ở miền Bắc nhất là quanh vùng Hà Nội còn có tục cả họ (nghĩa là tất cả mọi người trong cùng một gia tộc) tụ họp nhau lại để cùng đi tảo mộ tổ tiên và thân quyến quá cố, vào những ngày trước Tết... Có nơi thì đi thăm mộ vào những ngày đầu năm. Tục tảo mộ Tết này được gọi là Lễ Tổ Lạp.

Tục tảo mộ Tết này cho thấy ta khác với Tàu, vì chính lễ Thanh Minh tảo mộ của Trung Hoa là vào tháng Ba âm lịch, do đó thơ Kiều mới có câu: "Thanh minh trong tiết tháng Ba/ Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh..."