Ra đảo Phú Quốc, thưởng thức hải sản là chuyện đương nhiên. Nhưng nơi đây cũng không hiếm món rừng. Chả là hòn đảo rộng 561,65km2 thì 2/3 diện tích rừng núi. Giữa trưa nắng, tôi chợt thấy mát rượi như được vào phòng có máy điều hòa nhiệt độ khi xuyên qua cánh rừng già Bắc đảo. Trong rừng còn có chim muông và thú quý như khỉ, trăn, rắn, kỳ đà... Nghe nói trước đây, ở khu vực Gành Dầu có khá nhiều trâu rừng và trên hòn Nầng có cả cọp beo. Bằng chứng là nay tại xóm 1, ấp Cửa Lấp, xã Dương Tơ còn dinh thờ ông hổ.
Vào các nhà hàng ở thị trấn Dương Ðông có một món rừng hiếm thấy ở nơi là thịt con mỏng, được quán xá ở Phú Quốc chế biến thành đồ mồi "hảo xực" như mỏng nướng, mỏng sốt chua ngọt... Ðộc đáo nhất là thứ quả rừng hiện hữu khắp nước, nhưng tại hải đảo này đã được "thăng hoa" thành một loại biệt tửu mang mầu tím rất đẹp. Ðó là rượu sim. Lội suối Tranh hoặc tắm thác Ðá Bàn xong, nếu thưởng thức vài ngụm rượu ấy rồi ngâm nga Màu tím hoa sim của Hữu Loan, hẳn tao nhân mặc khách sẽ nảy nhiều thi hứng.

Sản vật đồng bằng ở Phú Quốc cũng chẳng thiếu. Từ heo, bò, dê, gà... đến lươn, cá rô, cá trê, cá lóc, cá chẽm, cá bống, cá hú, cá tai tượng, cá bông lau... đều có thể mua bất kỳ lúc nào ở chợ Dương Ðông. Ðảo có nhiều sông rạch nước ngọt, như sông Cửa Cạn (28km), sông Dương Ðông (15km), lại nhiều ao hồ, trảng cỏ, nên thịt cá đất liền có gì, Phú Quốc có nấy.

Còn hải sản thì biển Phú Quốc rất phong phú; số cá tôm đánh bắt hàng năm chiếm 1/8 sản lượng toàn quốc. Vì vậy mà ngư trường Phú Quốc là nơi hội tụ tàu thuyền từ khắp nơi mọi miền đất nước. Dân chúng trên đảo có gốc gác đủ 61 tỉnh thành. Cũng do đó mà nhiều món ăn, thức uống ở Phú Quốc được chế biến đa dạng theo nhiều phong cách chăng?

Món ăn đắt giá này hiện vẫn còn dồi dào ở ngoài khơi Hàm Ninh, dân địa phương gọi là đồn đột, còn thực đơn trong các nhà hàng ở thành thị quen ghi là hải sâm. Hải Sâm được phân loại tùy mầu sắc: trắng, đen, vàng.. Hôm nào cảm thấy người hơi khó ở, mồm miệng nhàn nhạt, nếu xơi bát súp hải sâm với yến sào hoặc hải sâm nấu nấm đông cô, bạn sẽ lấy lại được sự sảng khoái.

Một loại hải sản khác của Phú Quốc có giá trị kinh tế cao thuộc họ Rùa biển (chelonidae) là đồi mồi. Vảy đồi mồi được dùng làm hàng thủ công mỹ nghệ; đây cũng chính là vị thuốc Ðông y cổ truyền mang tên "đại mạo" có tác dụng thanh nhiệt, giải độc. Riêng thịt và trứng đồi mồi lại là thức ăn ngon và bổ dưỡng.

Tôi được trải qua suốt một ngày thú vị trên chiếc thuyền máy lượn lờ quanh quần đảo An Thới, lãnh thổ phía Nam huyện đảo. Vừa chiêm ngưỡng "vịnh Hạ Long thu nhỏ" với những cù lao muôn hình vạn trạng như hòn Dừa, hòn Dâm, hòn Rỏi, hòn Thơm, hòn Vang, hòn Xưởng, hòn Kim Quy, hòn Gầm Ghì, hòn Móng Tay, hòn Mây Rút..., tôi vừa tung câu nhử cá nhồng - loại cá mà dân Phú Quốc hằng ca ngợi qua câu hát:

Gì ngon bằng gỏi cá nhồng
Gì vui bằng được tin chồng vinh quy

Nếu cá nhồng được săn bắt lúc thuyền rẽ sóng, thì cá mú lại cắm câu lúc thuyền buông neo trên những vùng đáy biển có nhiều rặng san hô. Cá mú sao háu ăn quá thể! Mỗi dây câu móc hai lưỡi thép, cứ thả xuống nước dăm phút là giật lên có khi được cả cặp cá mú đen, mú tím hoặc mú hồng. Nấu nướng cá vừa cắn câu, đang tươi roi rói, rồi xơi ngay trên thuyền, ngọt ngon khôn tả! Câu cá chán thì nhảy tòm xuống nước, lặn bắt ốc đụn, ốc nhảy... làm món nhắm, rất mê!

Người lái thuyền và tài (thợ máy) kể rằng khu vực Thailand có nhiều loại cá "càng ăn càng thèm": cá thiều, cá thu, cá nục, cá chim, cá cờ, cá cam, cá ngừ, cá trích, cá mòi, cá chuồn, cá căng, cá hố, cá mối, cá phèn, cá vồ, cá bạc má...

Mực, tôm, cua, ghẹ... vùng biển này khá to, thịt chắc, đậm đà. Riêng ghẹ, mỗi năm Phú Quốc khai thác khoảng 400 tấn, có năm đạt những 685 tấn (1995). Bắt được ghẹ đúng cữ lột vỏ, đem luộc để chấm muối tiêu chanh mà khề khà đưa cay thì thật là tuyệt.

Tôi sẽ thiếu sót vô cùng nếu viết về đặc sản của hòn đảo cực Tây mà quên mất cái món biển độc đáo và ngon lạ lùng này: biên mai. Ðó là một loại sò thường sống dưới đáy biển nhiều bùn ở độ sâu hơn 15m. Mỗi con bề ngang 5 - 10cm, dài 20 - 25cm. Người ta dùng dao cứng tách vỏ ra, lấy cồi là miếng gân trắng nõn, nhỏ xíu và tròn dẹt như quân cờ tướng. Muốn ăn một dĩa cồi biên mai, ngư dân phải lặn vớt và cạy vỏ cả trăm con, kể ra biết mấy công phu. Rồi qua bàn tay dẻo mềm của các phụ nữ Phú Quốc, cồi biên mai được chế biến thành hàng loạt món hấp dẫn. Nào biên mai luộc, biên mai nướng, biên mai phích bột... Nào biên mai xào chua ngọt, biên mai nấu cháo... Cồi biên mai luộc hoặc nướng có thể ăn ghém với rau sống, giá tươi, khế chua, sả băm, dừa nạo; cũng có thể ăn suông, song nhất thiết phải chấm nước mắm thượng hảo hạng pha tí chanh và rắc đầy đậu phộng rang béo bùi giã dập. Món cầu kỳ và "tốn rượu" là biên mai nhúng dấm, cách ăn tương tự món bò nhúng dấm vậy, song phong vị lạ thường. Thay nước dừa cho dấm, lại thêm một món biên mai nhúng kiểu khác. Có người còn nghĩ cách quết nhuyễn cồi biên mai tươi, trộn với mỡ heo và gia vị, để tạo nên món chả đặc sắc. Cuối tiệc, thực khách nào vội rời bàn thì dùng cháo biên mai nóng sốt dằn bụng, những ai thích nán lại túc tắc chạm ly thì xì xụp món lẩu biên mai. Suốt bữa đánh chén, thỉnh thoảng nhớ cắn vài hạt tiêu tươi mà khoan khoái hít hà với hương rừng gió biển.

Ðã ghé đảo, nếu chưa thưởng thức hương vị biên mai - món ăn có thể xem như đặc sản của Phú Quốc - thì khác nào chưa ghé! Hầu như khắp cả nước, những tưởng chỉ Phú Quốc, nhất là khu vực An Thới, mới có biên mai. Gần đây, người ta phát hiện ra biên mai ở cả ngoài khơi tỉnh Bình Thuận nữa. Ngư dân Phan Thiết gọi biên mai là bàn mai. Hải sản này khá đắt đỏ dù ngay tại xứ biển: mỗi cân biên mai hiện được thu mua với giá từ 32.000 đến 45.000 đồng và được xuất khẩu với giá 5 USD.