Khu phố cổ Hà Nội vốn còn rất nhiều tuyến phố lưu giữ được những nét cổ xưa với những nếp nhà cũ, di tích đền chùa hay một vài nghề thủ công truyền thống.

Nhưng có lẽ mang nhiều đặc trưng của phố cổ Hà Nội, để lại nhiều ấn tượng cho khách du lịch và cả những ai quan tâm đến phố cổ Hà Nội chính là phố Mã Mây (phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm).

Mà ở đó, nhắc tới tên phố người ta nhớ tới ngôi nhà cổ 87 Mã Mây với những sự kiện văn hóa thường tổ chức ở đây, đền thờ Nguyễn Trung Ngạn, nhớ tới giai thoại quân Cờ Đen hay bắt cóc trẻ con và địa chỉ dạy khách nước ngoài nấu ăn tại số nhà 25 Mã Mây.

Mã Mây thực sự là con phố kinh doanh, dịch vụ sầm uất, chủ yếu là phục vụ khách du lịch với các văn phòng du lịch, khách sạn mọc lên san sát.

Chiều dài tuyến phố bắt đầu từ ngã ba Hàng Bạc-Mã Mây nối vào phố Hàng Buồm, uốn lượn tạo nên dáng cong của một con đường rất khác biệt với các phố cổ khác.

Mã Mây chính là tên ghép của hai tuyến phố xưa kia là Hàng Mây và Hàng Mã (khác với phố Hàng Mã gần chợ Đồng Xuân), mà người ta thường gọi phố của hai phố. Đoạn phố Hàng Mã cũ thường làm hàng mã phục vụ đám tang, đám rước, cúng lễ; còn đoạn phố Hàng Mây cũ chuyên làm các đồ dùng chế tác từ mây và sợi mây nguyên liệu.

Sử sách ghi chép rằng, phần phố Hàng Mây thuộc đất của giáp Hương Tượng, phường Hà Khẩu, còn phần phố Hàng Mã thuộc thôn Dũng Thọ. Khu vực này gần cửa sông Tô Lịch nối với sông Hồng, thuyền bè buôn bán tấp nập, lái buôn thường lên phố Hàng Mã và Hàng Mây trao đổi, mua bán hàng.

Thời Pháp thuộc, phố Mã Mây còn có tên gọi phố Quân Cờ Đen vì nơi này là đại bản doanh của quân Cờ Đen, một đám quan quân từ phương Bắc dạt sang nước ta từng gây nỗi khiếp đảm cho người Pháp và người Việt. Ban đầu, quân Cờ Đen được triều đình nhà Nguyễn dung nạp để chống nạn thổ phỉ ở biên giới.

Khi Pháp tiến đánh Bắc Kỳ, quân Cờ Đen tham gia các trận đánh Pháp, từng tiêu diệt hai viên chỉ huy của giặc ở Cầu Giấy khiến quân Pháp khiếp đảm. Chúng cũng trở thành nỗi kinh sợ của dân vì nạn cướp bóc, hà hiếp nhất là hay bắt cóc trẻ con.

Giáo sư sử học Lê Văn Lan kể rằng: “Nhà tôi ở Mã Mây, xưa kia tôi lười ăn, mẹ tôi thường dọa rằng không ăn quân Cờ Đen sẽ bắt đấy”. Rồi giáo sư kể, phố này là 1 trung tâm bắt cóc trẻ con đòi tiền chuộc. Quân Cờ Đen bắt cóc trẻ con về đây nhưng không biết đứa nào khai thác đòi tiền chuộc được, bèn thử thách bằng cách nhốt trẻ vào một chỗ, cho nhịn đói 1 ngày 1 đêm, sáng hôm sau bày ra một loạt cháo hoa, cháo trắng rất nóng gọi đám trẻ đến ăn.

Những đứa nào vốn là con nhà nghèo, quen ăn cháo quen, lúc đói bưng cháo húp vòng quanh đúng kiểu con nhà nghèo, bọn Cờ Đen sẽ tống cổ về. Còn đứa nào con nhà giàu không quen ăn cháo, chỉ ăn cao lương mỹ vị không biết ăn kiểu đó thậm chí khảnh ăn, bọn cờ đen nhận ra, đòi tiền chuộc. Đấy là kỷ niệm tuổi thơ của giáo sư Lê Văn Lan về con phố này.

Congdongviet net -200502-125752.PNG

Thực dân Pháp cũng lập ra nhà ngục để giam giữ tù nhân tại các số 5 Mã Mây, trước kia cũng là sở chỉ huy Quân Cờ Đen, nhà chủ ngục người Pháp ở đối diện đường. Nhà ngục này được lập ra trước khi có nhà tù Hỏa Lò.

Mã Mây cũng là phố còn tồn tại nhiều nhà cổ nhất, thường làm theo dạng nhà ống, mặt tiền hẹp nhưng dài, có khoảng không đón gió ở giữa.

Nếu toàn khu phố cổ Hà Nội còn khoảng 1000 nhà cổ thì phố Mã Mây chiếm 1/10 số nhà cổ, trong đó ngôi nhà cổ 87 Mã Mây được bảo tồn khá nguyên vẹn, trở thành trung tâm tổ chức các hoạt động văn hóa và là điểm tham quan không thể bỏ qua đối với khách du lịch khi đến phố cổ Hà Nội. Năm 1999, ngôi nhà được cải tạo thí điểm trong dự án bảo tồn phố cổ giữa thành phố Hà Nội và thành phố Toulouse (Pháp).

Ngôi nhà 87 Mã Mây có bố cục không gian đặc trưng cho kiến trúc nhà ở được xây dựng vào đầu thế kỷ 19 nhằm mục đích để ở và bán hàng. Nhà thể hiện được kỹ thuật và nghệ thuật xây dựng nhà truyền thống của phố cổ Hà Nội.

Đền Mã Mây, số 64 Mã Mây là đền thờ Nguyễn Trung Ngạn, người làm quan dưới 5 triều vua Trần, từng người giữ chức Đại doãn kinh sư, đứng đầu kinh thành Thăng Long, tương tự như Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố bây giờ.

Tại ngôi đền còn giữ được 6 đạo phong thần của ba vương triều Lê, Tây Sơn và Nguyễn cùng với 7 tấm bia đá. Nội dung của các bài văn bia là một kho sử liệu phong phú với những tên người, tên đất, những sự kiện cụ thể của các danh nhân địa phương.

Ngôi nhà 25 Mã Mây của bà Ánh Tuyết, một nghệ nhân ẩm thực, trở thành nơi dạy nấu ăn các món Hà Nội và thuần Việt cho khách nước ngoài.

Bà Ánh Tuyết là người Hà Nội gốc, say mê sáng tạo những món ăn ngon, đã giới thiệu nghệ thuật ẩm thực của Hà Nội cũng như Việt Nam ra thế giới bằng con đường du lịch. Tiếng lành đồn xa, nhiều công ty lữ hành đưa khách tới và hiện tại bà đã mở rộng sang cả nhà 22 Mã Mây.

Những ngày đầu năm Canh Dần, trong hành trình du lịch đón Tết cổ truyền của Việt Nam, thăm phố cổ Hà Nội, Mã Mây là địa chỉ hấp dẫn, thu hút đông đảo khách nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử con người Hà Nội.