Phố Lương Ngọc Quyến nằm trong khu phố cổ Hà Nội, dài 334m, thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, nối từ phố Nguyễn Hữu Huân (xưa gọi là phố Bắc Ninh) đến phố Hàng Giầy, cắt ngang qua các phố Mã Mây, Tạ Hiện.

Đây nguyên là đất thôn Ưu Nhất và thôn Ngư Võng, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương cũ. Hiện nay dấu vết các thôn này không còn gì. Nhà số 10 phố Lương Ngọc Quyến là đình Hương Tượng xưa nhưng mặt chính lại quay ra phố Mã Mây, nhà số 64.

Thời Pháp thuộc, đây là hai phố khác nhau gồm phố Galet và phố Nguyễn Khuyến. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, phố chính thức được mang tên Lương Ngọc Quyến.

Vào những năm đầu thế kỷ 20, khu vực phố Lương Ngọc Quyến-Mã Mây vẫn còn dấu vết nhiều hồ, ao, đất trũng đầy bèo tây, dân làng còn gọi là Làng Chài (sau còn mang tên phố Chài). Dân ở đây sống một phần nhờ ở nghề đánh bắt tôm cá. Một số người Hoa nghèo cũng sinh sống ở đây bằng nhiều nghề mọn trong xóm nhà tranh lụp xụp, ngõ nhỏ quanh co. Khi chính quyền thành phố cho lấp hết hồ ao, vạch đường phố theo quy hoạch thì phố mới mở có tên là phố Galet, song người ở đây vẫn gọi bằng tên thông thường là phố Chài. Phố Galet còn kéo dài thêm một đoạn ngắn ra đến bờ sông.

Phố Lương Ngọc Quyến, bên số chẵn là một dãy (từ số nhà 36 đến số 52) gồm chín gian hai tầng của một chủ cho những gia đình thuê để mở cửa hàng bán phở, cháo, quẩy, bánh bao, xen kẽ có vài ba nhà làm nghề thợ may, chữa máy móc nhỏ. Tiếp đến là dãy tường bên của nhà ngõ Quảng Lạc (nay là phố Tạ Hiện), bên trong là nhà ngang với những mẹt hàng, chõng hàng bán xôi chả, bánh cuốn, bánh rán, chè vừng, chè khoai.

Dãy số lẻ, giáp với ngõ Nội Miếu là một kho hàng lớn bên trên có hàng chữ “Chi Long y trạm” (Kho thuốc hãng Chi Long). Cạnh đó có một cơ sở nấu sì dầu, nay là xưởng sản xuất đậu phụ. Rồi đến hai dãy gồm bốn năm nhà hai tầng, ba tầng và một nhà khá rộng (số 55) là cơ sở thương mại của Nhà nước. Còn lại là những nhà một tầng nhỏ cũ kỹ một hoặc hai gian, mở cửa hàng điểm tâm nhỏ.\

Congdongviet net -200502-130353.PNG

Phố Lương Ngọc Quyến phía Đông có hai đoạn gồm đoạn giáp bờ sông chỉ là phụ vì rất ngắn. Đoạn chính từ ngã tư Mã Mây-Đào Duy Từ đến ngã tư phố Tạ Hiền. Đoạn phố này mới có sau khi hồ Ngư Võng được san bằng nên nhà cửa được xây dựng theo kiểu mới và có diện tích tương đối rộng.

Ngày nay, đoạn đầu phố Lương Ngọc Quyến vừa là khu buôn bán, khu hoạt động của khách du lịch balô vừa là khu tập trung nhiều hàng ăn uống của Hà Nội.

Thân thế-Sự nghiệp của nhà chí sĩ yêu nước Lương Ngọc Quyến (1885-1917):

Lương Ngọc Quyến, một chí sĩ Việt Nam thời cận đại, hiệu là Lập Nham (Lương Lập Nham), sinh năm 1885 trong một gia đình khoa cử khá giả và là con thứ của nhà chí sĩ Lương Văn Can. Ông quê gốc người làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội. Sinh thời, ông sớm chịu ảnh hưởng của tư tưởng Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu (Trung Quốc).

Tháng 10/1905, ông cùng em là Lương Nhị Khanh hưởng ứng phong trào Đông Du, sang Nhật tìm đường làm cách mạng. Ông được Phan Bội Châu gửi học trường Chấn Vũ và tốt nghiệp loại ưu (năm 1908). Bị trục xuất, ông sang Trung Quốc học các trường quân sự, nhận chức thiếu tá trong quân đội Trung Hoa và tham gia Việt Nam Quang phục Hội, Ủy viên Quân sự Bộ chấp hành.

Năm 1914, ông về nước gây cơ sở Cách mạng tại Nam Kỳ, rồi sang Thái Lan, qua Hương Cảng (Trung Quốc). Lương Ngọc Quyến bị mật thám Anh bắt trao cho Pháp, đưa về Việt Nam vào tháng 2/1915. Chúng kết án ông khổ sai chung thân và giam ở các nhà lao tại Hà Nội, Phú Thọ, Thái Nguyên.

Đêm 30 rạng ngày 31/8/1917, nghĩa quân gồm 300 người do Trịnh Văn Cấn (Đội Cấn) chỉ huy phát động cuộc khởi nghĩa, Lương Ngọc Quyến được cử làm Cố vấn kiêm Phó tư lệnh.

Nghĩa quân làm chủ tỉnh Thái Nguyên suốt bảy ngày. Sau đó, giặc Pháp đưa viện binh từ Hà Nội lên phản công dũ dội nhằm chiếm lại tỉnh lỵ Thái Nguyên và Lương Ngọc Quyến đã hy sinh vào ngày 5/9/1917, lúc đó ông mới 32 tuổi.

Lương Ngọc Quyến đã để lại bài thơ “Cảm tác” làm khi bị giam ở Hỏa Lò, Hà Nội.