Phố Hàng Trống là một con phố nằm trong khu vực 36 phố phường Hà Nội xưa. Trước đây, phố nằm trên phần đất của nhiều thôn xóm cũ.

Đoạn giáp phố Hàng Gai là đất thôn Cổ Vũ, đoạn giữa phố là thôn Khánh Thụy hữu và đoạn cuối là thôn Tự Tháp. Tất cả đều thuộc tổng Tiền Túc (sau đổi thành tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương. Thời Lý, Trần, vùng này thuộc phường Tàng Kiếm.

Thời Pháp thuộc đây là phố Giuynpheri (Rue Jules Ferry) nhưng dân chúng vẫn quen gọi là phố Hàng Trống và tên gọi này không đổi cho đến nay.

Phố Hàng Trống ngày nay, bắt đầu từ ngã tư Hàng Gai đến phố Lê Thái Tổ dài 396m, thuộc phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Hàng Trống xưa là một con phố buôn bán sầm uất, nổi tiếng với nhiều nghề thủ công như tranh dân gian, nghề làm trống hội, hàng thêu, cờ phướn, võng lọng.

Nghề làm trống vốn có ở làng Liêu Thượng, huyện Yên Mỹ, (tỉnh Hải Dương hay Hưng Yên) sau dân làng đem nghề về Kẻ Chợ-Thăng Long và cư trú tại phố Hàng Trống để làm trống với đủ loại như trống cái, trống con, trống bản, trống chầu, trống cơm.

Phố còn có nghề làm lọng, nghề này có nguồn gốc tại làng Đào Xá (nay thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội) làm lọng, tán, tàn, để bán cho quan lại và các đền, chùa.

Nghề vẽ tranh của dân làng Tự Tháp (một trong hai lò tranh nổi tiếng của đất Bắc Hà) đã làm nên một dòng tranh nổi tiếng với tên gọi tranh dân gian Hàng Trống.

Tranh Hàng Trống được kết hợp đường nét in đen từ bản khắc gỗ với việc tô phẩm màu bằng tay, dùng bút mềm quét phẩm nước. Màu sắc trong tranh Hàng Trống thường là các màu vàng, lam, lục, hồ thủy, da cam, cánh sen… màu nào cũng gắt, chói và rực rỡ, từ màu mảng đến nét vẽ đều mang đậm chất thị thành.

Cũng như nhiều dòng tranh phổ biến thời đó, tranh Hàng Trống có hai dòng chính là tranh thờ và tranh Tết. Tranh treo Tết thường là những bức như Chúc phúc, Tứ quý (bốn mùa), Lý ngư vọng nguyệt (cá chép trông trăng), còn dòng tranh thờ dùng trong sinh hoạt tín ngưỡng thường là các mẫu: Tứ phủ cộng đồng, Bà chúa thượng ngàn, Ngũ hổ, Bạch hổ.

Tranh Hàng Trống ngày nay đã dần bị mai một, muốn tìm lại tranh Hàng Trống phải đến các chốn linh thiêng như đền, miếu, điện thờ hoặc lục tìm trong các bộ sưu tập tư nhân, các viện bảo tàng ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới.

Hiện nay, ở chùa Kim Liên (Hà Nội) vẫn còn lưu giữ bức tranh Ngũ hổ được coi là lớn và mang vẻ đẹp thuần khiết của phong cách tranh Hàng Trống.

Nếu như ba nghề làm trống, làm lọng và vẽ tranh dân gian tập trung ở đầu phố thì cuối phố lại có nhiều cửa hàng thêu nên vào đầu thế kỷ XX, phố này còn gọi là phố Hàng Thêu.

Dân làng Quất Động, Hướng Dương (Thường Tín, Hà Nội) ra đây lập nghiệp, bán sản phẩm là những chiếc khăn tay, khăn trải bàn, quần áo thêu ren hoa, lá, chim muông… và những bức tranh thêu phong cảnh đồng quê như bờ tre, ruộng lúa vàng, trẻ chăn trâu.

Qua bao thăng trầm thời gian, phố Hàng Trống ngày nay đã có nhiều đổi thay. Những ngôi nhà sản xuất cờ phướn, võng lọng, trống hội, tranh dân gian… đã không còn nữa, thay vào đó là những cửa hàng thời trang cao cấp, những galery sang trọng nằm san sát và nhiều trụ sở cơ quan Nhà nước như Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm (số 124), báo Nhân Dân (số 71).

Ngôi nhà số 71 Hàng Trống nay là trụ sở báo Nhân Dân, trước đây vốn là nơi nhà giáo Vũ Tông Phan từng mở trường dạy học cho dân nghèo. Trong sân nhà số này có một cây đa cổ thụ nổi tiếng có ba mầu lá khác nhau, ước tính đã sống gần 200 năm.

Cây đa này được nhiều người coi là cây đa cổ thụ lớn và đẹp nhất Đông Dương. Ngôi nhà số 71 này cũng là một di tích lịch sử cách mạng kháng chiến, là nơi chứng kiến nhiều trận đánh oanh liệt của quân và dân Liên khu I anh hùng.

Tại đây đêm 25/12/1946, ngày đầu toàn quốc kháng chiến, các chiến sỹ Vệ quốc đoàn, tự vệ thành, công an xung phong đã chiến đấu anh dũng tiêu diệt 50 tên địch. Tiếp theo số nhà 71, số nhà 76, cuối thập kỷ 30 đầu 40 của thế kỷ XX là trường Hoài Đức dành cho nữ sinh.

Ngôi nhà gắn biển số 79, từ năm 1919 là trụ sở của Hội Khai Trí Tiến Đức do Viện Dân biểu bù nhìn của thực dân Pháp dựng nên, vốn là nơi hội họp của đám quan lại và thượng lưu trí thức thời Pháp thuộc.

Congdongviet net -200502-123420.PNG

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nơi đây thành trụ sở của Ban Thường trực Quốc hội khóa I. Đến khi hòa bình lập lại năm 1954, Hà Nội được giải phóng, đây là Câu lạc bộ Thống Nhất, nơi phục vụ nhân dân và cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Hiện nay, đây là trụ sở của Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam.

Phố Hàng Trống hiện nay còn bảo tồn nhiều di tích lịch sử-văn hóa có giá trị như đình Nam Hương, đền Đông Hương, đền Hàng Trống.

Đình Nam Hương hiện ở số nhà 75 phố Hàng Trống. Đình Nam Hương được dựng từ thời Lê để thờ năm vị Thượng đẳng thần là vua Lê Thái Tổ, công chúa Hà Duy và ba vị thần trấn giữ phía nam, đông, tây của kinh thành Thăng Long là thần Long Đỗ, thần Cao Sơn và thần Linh Lang.

Đình được xây dựng trên nền một ngôi đền cổ và đã qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo.

Hiện nay, đình Nam Hương còn giữ được một số hiện vật có giá trị mang đặc trưng nghệ thuật thế kỷ XVII, XVIII như 19 đạo sắc phong của các triều vua Lê, Tây Sơn và Nguyễn, phong cho năm vị Thượng đẳng thần; một bảng văn chạm kiểu chân quỳ dạ cá rất đẹp và quý hiếm do một đôi lân cõng, năm long ngai, một chóe sứ và nhiều đồ thờ tự khác.

Hàng năm, xuân thu nhị kỳ ở đình vẫn làm lễ vào ngày sinh, ngày hóa của các vị thần và rước kiệu với ngai, bài vị của công chúa Hà Duy từ đình sang đền Ngọc Sơn. Đặc biệt, vào ngày 25 tháng Chạp tại đình có tổ chức Lễ sắp ấn. Đây là lễ phong tước cho thần và các quan.

Đền Đông Hương và đền Hàng Trống hiện đều nằm ở số nhà 82-84 Hàng Trống. Đền Hàng Trống nằm ở phía trước nhìn thẳng ra phố, có từ thời Lê, thờ vị Phúc thần Đào Nương.

Tương truyền thời nhà Lê, giặc Minh mượn cớ sang hỏi tội Hồ Quý Ly hòng cướp ngôi nhà Trần để chiếm nước ta. Lúc ấy ở Đông Đô có bà Đào Nương người đẹp, hát hay đã khéo lừa lũ giặc chui vào bao bố (túi vải) ngủ tránh muỗi, rồi đem quẳng xuống sông, giết chết.

Khi vua Lê Thái Tổ đánh đuổi được giặc Minh, định đô ở Thăng Long, xét công trạng bà bèn cho lập đền thờ ở làng Tả Vọng, tức đền Hàng Trống ngày nay.

Đền Đông Hương ở phía sau đền Hàng Trống. Đây là nơi thờ tam vị Thánh Mẫu là Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải và Mẫu Liễu Hạnh.

Tại di tích số 84 này hiện còn lưu giữ nhiều di vật văn hóa như ba khám thờ chạm rồng, một bộ long ngai chạm rồng thế kỷ XIX, một quả chuông đồng, sáu đạo sắc phong…cùng nhiều đồ thờ tự khác.