Phố Hàng Mã, Hà Nội vốn rực rỡ sắc màu, vào dịp Trung thu lại lung linh hơn bao giờ hết. Trung thu năm nào cũng thế, người Hà Nội lại theo nhau lên phố Hàng Mã, ít nhất một lần. Trẻ em thì mua đồ chơi, người lớn thì bồi hồi với những hoài niệm trẻ thơ. Không đâu khiến người ta háo hức bằng ở đây, trong bạt ngàn đèn ông sao, đèn lồng, đầu sư tử, trong thậm thình tiếng trống ếch vang xa…

Tấc đất… tấc quán!

Như thường lệ, cách rằm tháng Tám chừng tới cả tháng, đã thấy Hàng Mã rực sắc màu Trung thu rồi, và giờ, khi ngày rằm đã cận kề, thì không tối nào Hàng Mã không trong tình trạng ứ nghẹt người xe.

Tầm 6 giờ tối còn đỡ, tới 7 giờ, thì ùn ùn xe máy, ôtô chạy tới chạy lui, tắc đường là điều đương nhiên diễn ra, dù năm nay, cũng như mọi năm, lực lượng công an phường đã đứng rải ở từng góc phố, giữ trật tự đường phố, đảm bảo trật tự buôn bán, đồng thời đảm bảo những mặt hàng bán tại phố không vi phạm quy định.

Đứng một lúc, chứng kiến anh công an lắc đầu kiên quyết mãi mà vẫn không thoát khỏi sự mè nheo của hai người phụ nữ cứ muốn xin một quầy hàng giữa phố, mới hiểu sự vất vả và… đôi khi là khó xử của họ.

Cũng dễ hiểu nữa, khi mà những ngày này, tấc đất phố Hàng Mã còn hơn cả tấc vàng. Nói là tấc vàng là bởi chỉ một chỗ đất con con, đặt vừa một cái thúng cũng đã có thể kinh doanh trong những ngày này.

Để có chỗ ngồi cố định, lại mặt phố, phải là những người dân trong phố, quanh năm buôn bán nơi đây, hoặc giả là người đến sớm và cũng "quen mặt" như bà cụ bán trống ngồi ngay gốc cây phố Hàng Mã gần sát ra Đồng Xuân.

Thu gọn mình nhất có thể, với một thúng trống trước mặt, bà cụ hiện diện cách đây tới gần 20 ngày. Bà tâm sự, trống không còn là thứ đồ chơi được ưa chuộng nữa, bởi đã lâu rồi tiếng trống ếch không còn vang trong các khu phố khi Trung thu về.

Nếu có, cũng chỉ là những cái trống cái khổng lồ, do những đoàn lân sư rồng biểu diễn mà thôi. Nên mỗi ngày, bà cụ cũng chỉ bán được có vài cái trống, giá cũng rất "bèo": dăm ngàn, mười ngàn.

"Nhiều ông bố, bà mẹ giờ thích mua cho con trống Trung Quốc, vì nó bằng nhựa, chơi được lâu, không nhanh bục, không nhanh mốc như trống Việt Nam; mẫu mã lại cũng đẹp hơn, sặc sỡ hơn chứ không chỉ tuyền một màu hồng đậm thế này"- bà cụ cho biết. Cái tâm lý "sính" hàng ngoại ấy công nhận đã thấm khá sâu vào nhiều người khi chọn đồ Trung thu.

Ngay cô bé bán hàng góc Hàng Lược, khi được hỏi có đồ chơi Việt Nam không cũng cười mà rằng, đồ chơi Việt Nam giờ ai còn chơi, xấu lắm! Đúng là xấu thật, nếu so sánh những món đồ chơi ấy với những món đồ hiện đại, xanh đỏ sắc màu, âm thanh hấp dẫn, đèn nháy… cũng đầy mê hoặc như mũ thỏ có phát sáng, đèn lồng có đèn pin bên trong… của Trung Quốc.

Rồi chiếc mặt nạ năm đầu tiên xuất hiện, nhan nhản trên phố và được coi là mặt hàng chủ đạo của năm nay: mặt nạ Sao Băng - phỏng theo gương mặt một nhân vật trong phim hoạt hình đang khá phổ biến trên truyền hình, mà đứa trẻ nào nhìn cũng nhận ra, nên nhìn là thích ngay.

Cả những cô cậu trẻ tuổi cũng háo hức hỏi mua, tuy giá khá là "chát": 90.000 đồng/chiếc. Cũng tương tự như vậy, bộ cánh bướm Trung Quốc có giá 30.000 - 100.000 đồng (tùy chất lượng), đèn lồng Trung Quốc có giá 30.000 đồng (đắt gấp 3 lần đèn lồng Việt Nam).

Congdongviet net -200502-131603.PNG

Đồ chơi truyền thống vẫn có chỗ đứng

Thế nhưng, không phải ai cũng chuộng những mặt hàng ngoại này. Sự có mặt khá phổ biến của những chiếc mặt nạ giấy bồi vẽ mặt chú ỉn hiền lành, mặt ông địa, thậm chí là mặt Chí Phèo-Thị Nở… trên các quầy hàng năm nay khiến những ai có "tâm hồn hoài cổ" đều thấy hài lòng.

Tuấn, chàng trai khá trẻ tấp xe trước cửa hàng số 22 Hàng Mã, chọn mua quà Trung thu cho người yêu. Tuấn thật sự vui vì đã phát hiện ra cặp mặt nạ Chí Phèo-Thị Nở, không hề trả giá khi người bán đòi 20.000 đồng/chiếc, Tuấn mua luôn và còn xuýt xoa là rẻ.

Cùng tâm trạng với Tuấn là anh Hải. Vừa đón con từ lớp mẫu giáo về, cổ áo cậu con trai còn đeo nguyên cái... khăn xô lau mũi, anh Hải cho con lên phố, dạo một vòng và chỉ mua đúng một cái đèn ông sao giá 10.000 đồng, rồi cả bố, cả con hớn hở ra về.

Anh Hải bảo, 5 năm rồi, năm nào anh cũng chỉ chọn mua đèn ông sao cho con trai, để con luôn nhớ về một Trung thu truyền thống của dân tộc.

Có lẽ, cái niềm hoài cổ về một Trung thu truyền thống dân tộc cũng "đọng ngưng" nhiều nhất trong những người dân phố Hàng Mã. Bởi cũng chỉ nơi đây mới thấy những căn nhà treo toàn đèn lồng Việt Nam, đủ loại to nhỏ, giá từ 10.000 đồng một chiếc đèn lồng cho đến vài trăm ngàn cho chiếc đèn kéo quân.

Và cũng chỉ trên con phố này mới nhiều đèn ông sao treo rực rỡ, đủ loại to nhỏ, thắp nến lên là thấy lung linh một Trung thu xưa. Và cũng chỉ phố Hàng Mã mới có những gia đình như gia đình Doãn Đại 22A Hàng Mã, chuyên đèn lồng, chuyên đầu sư tử.

Từ những chiếc đầu sư tử nhỏ bé giá 50.000 đồng dành cho những em bé, tới những chiếc đầu giá tới triệu rưỡi dành cho những đoàn múa lân lớn. Năm nay, ngoài những chiếc đầu lân màu đỏ truyền thống, chiếc đầu lân màu vàng rực rỡ với cặp mặt đen to đầy oai vệ được chị chủ cửa hàng "tiết lộ" là bán rất chạy.

Tất nhiên, không thể bán nhiều như đầu sư tử nhỏ, nhưng những đầu lân này bán chiếc nào là lãi đủ ngày buôn bán ấy. Rời phố Hàng Mã, chọn mua một chiếc còi quay của chị bán hàng xởi lởi kể chuyện mỗi ngày bán tới 150 chiếc còi.

Con số nghe thật đáng… ngờ, nhưng chị bảo là sự thật, bởi mặt hàng này, bao năm nay, vẫn chưa bao giờ bị "lỗi mốt". Chiếc còi quay giá chỉ 3.000 đồng, nhưng tiếng reo thì vui tai và cũng lại gợi nhớ về một Trung thu xưa, khi còi quay cũng đã là món quà quý giá với những đứa trẻ nghèo phố cổ.