Phố Hàng Bông dài 932 mét, nay thuộc phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, tp Hà Nội. Phía đông nối với phố Hàng Gai, phía tây nối với phố Cửa Nam, đoạn giữa cắt các phố Hàng Hòm - Hàng Trống, Hàng Mành - Lý Quốc Sư, Đường Thành - Phủ Doãn, Hàng Da - Quán Sứ, Phùng Hưng.

Congdongviet net -200502-123327.PNG

Phố Hàng Bông xưa kia gồm nhiều đoạn ngắn:

- Đoạn từ phố Hàng Gai đến phố Hàng Mành ở trên đất thôn Cổ Vũ (từ giữa thế kỷ 19 hợp nhất với thôn Kim Bát thượng thành thôn Kim Cổ), gọi là phố Hàng Hài hay Hàng Bông Hài, nơi từng bán giày hài, nón, đồ thờ bằng giấy; vì có đền Phúc Hậu thờ ông tổ nghề tráng gương nên còn gọi là phố Hàng Gương.

- Đoạn từ đầu Hàng Mành đến phố Hàng Da ở trên đất thôn cũ Kim Bát hạ, gọi là Hàng Bông Đệm, từng có nhiều nhà làm nghề bật bông, bán mền bông, chăn đệm. Cả hai thôn Kim Bát thượng và hạ đều thuộc tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương, tới giữa thế kỷ 19 đổi thành tổng Thuận Mỹ.

- Đoạn từ ngã tư Hàng Da - Quán Sứ đến ngõ Hội Vũ ở trên đất mấy thôn Đông Mỹ, Thương Môn, Đông Hạ, gọi là Hàng Bông Cây Đa Cửa Quyền vì từng có cây đa to ở cửa ngôi miếu thờ Cô Quyền.

- Đoạn từ ngõ Hội Vũ đến ngã ba Phùng Hưng ở trên đất thôn cũ Yên Trung hạ, tổng Tiền Nghiêm (sau là Vĩnh Xương), gọi là Hàng Bông Lờ, nơi từng bán các loại đó, đơm, lờ đánh cá. Xưa hơn nữa thì nơi đây chuyên nhuộm vải xanh nên còn có tên là phố Hàng Lam.

- Đoạn cuối phố Hàng Bông ở trên đất thôn cũ Đông Mỹ gọi là Hàng Bông Thợ Nhuộm hay Hàng Bông Nhuộm, vì dân sở tại gốc làng Huê Cầu và Liêu Xá (huyện Yên Mỹ, Hải Hưng) vốn có nghề nhuộm thâm các loại vải lụa.

Ngõ Hàng Bông chạy từ phố Tống Duy Tân đến vườn hoa Cửa Nam, thời Pháp tên là Rue Lhonde. Từ 1945 đổi là phố Cấm Chỉ. Đến năm 1964, đổi là ngõ Hàng Bông Lờ, và hiện nay gọi là ngõ Hàng Bông.

Phố Hàng Bông từng nằm trong khu vương phủ của chúa Trịnh Tùng, khởi dựng vào năm 1595. Có 3 cửa phủ: cửachính nam ở chỗ phố Bà Triệu, cửa Tuyên Vũ ở chỗ Bưu điện Hà Nội, và cửa Diệu Đức thông ra phố Cửa Nam.

Khoảng năm 1781, Hải Thượng Lãn Ông lên kinh chữa bệnh cho Trịnh Sâm và Trịnh Cán đã đi qua phố Hàng Bông. Trong Thượng kinh ký sự, ông chép rằng "từ cửa cung Khánh Thụy qua đình Quảng Minh, rồi qua cửa ĐạiHưng, theo đường phía hữu (bên phải) đi hơn nửa dặm nữa thì đến dinh quan Chính Đường".

Phố Hàng Bông đã từng có một số phòng trà ca nhạc và nhà in, nhà sách, nhà báo. Một tuyến tàu điện được xây dọc phố từ năm 1901, năm 1991 bị dỡ bỏ và thay bằng xe buýt.

Phố Hàng Bông từ cuối thế kỷ 20 bắt đầu mọc lên nhiều quán ăn, cửa hàng thời trang và khách sạn.