Phố Hàng Đường nằm trong khu phố cổ Hà Nội, thuộc phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm.

Phố dài 180m, chạy theo hướng Bắc-Nam, đầu phía bắc nối với phố Đồng Xuân, đầu phía nam nối với phố Hàng Ngang, cắt ngang phố là phố Hàng Cá và phố Ngõ Gạch.

Phố Hàng Đường nguyên là phần đất của thôn Vĩnh Thái (đoạn đầu phố) và thôn Đông Hoa Nội Tự (đoạn cuối phố), tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương cũ.

Trước kia sông Tô Lịch chạy qua khu vực này, có một cây cầu đá bắc ngang qua gọi là Cầu Đông, nay cầu đã mất nhưng vẫn còn tên gọi qua ngôi chùa Cầu Đông.

Thời Pháp thuộc, phố có tên là “Rue du Sucre”. Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, chính quyền cách mạng đổi tên phố là Hàng Đường, tên gọi này được dùng đến ngày nay.

Trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc năm 1946, phố Hàng Đường thuộc khu trung tâm của Liên khu I. Các số nhà 7, 9, 11 đã là Trụ sở của Ban Chỉ huy tiểu đoàn 101 phụ trách khu Đồng Xuân, là một trong 3 khu chưa bị chiếm của Liên khu này. Chùa Cầu Đông lúc đó là một trong hai trạm quân y của Liên khu.

Xưa kia hàng hóa đặc trưng của phố là các loại bánh kẹo, hàng làm từ mật, đường mía, đường phèn. Đường phèn từ Quảng Ngãi, đường mật mía từ các vùng qua tay lái buôn rồi đem đến phố bán lẻ hoặc chế biến thành các loại bánh kẹo.

Trước những năm 60 của thế kỷ XX, đây vẫn là trung tâm buôn bán bánh kẹo lớn ở Hà Nội, nhất là vào các dịp Tết Trung Thu, Tết Nguyên Đán. Hiện nay dãy phố này không còn chuyên bán bánh mứt kẹo như trước, mà trở thành trung tâm buôn bán sầm uất của thành phố Hà Nội với đủ loại mặt hàng, đặc biệt là món ô mai ngon có tiếng.

Congdongviet net -200502-131702.PNG

Di tích lịch sử

Dấu vết các thôn xóm cũ trước kia là các ngôi đền chùa còn lại tới nay, đó là Đình Vĩnh Hanh, Đình Đức Môn và Chùa Đông Môn.

- Đình Vĩnh Hanh ở số nhà 19B, Đình xưa tầng dưới để buôn bán, bên trên để thờ, ngày nay không còn nữa.

- Đình Đức Môn nằm ở số nhà 38, có niên đại xây dựng khoảng thời Hậu Lê, thế kỷ 16-17. Đình thờ thần Ngô Văn Long, một tướng thời Hùng Vương thứ 18, có công lớn trong buổi đầu dựng nước và giữ nước. Kiến trúc Đình Đức Môn gồm 3 nếp nhà thông nhau xây theo kiểu đầu hồi bít đốc, tường bao kín bốn bề, phía trước trổ cửa nách thông từ chùa Đông Môn sang đình. Kiến trúc nghệ thuật đơn giản, bộ khung nhà thể hiện bằng các vì kèo tuật ở toà trung tế, tại đình và hậu cung. Khung mái cuốn vòm, kiểu vỏ cua.

- Chùa Đông Môn thường gọi nôm na là Chùa Cầu Đông, ở số nhà 38B. Đình Đức Môn và Chùa Cầu Đông đã tạo thành một tổng thể di tích trên một thửa đất liền khoảnh, theo lối “tả Thần-hữu Phật”. Hiện chùa còn lưu giữ được nhiều bia cổ, ghi lại vị trí, quá trình xây dựng chùa. Đó là các loại bia khắc vào các năm 1633, năm 1639, năm 1711, năm 1816. Có một quả chuông đề chữ “Đông Môn tự Chung” (chuông chùa Đông Môn) đúc đời Tây Sơn, năm Cảnh Thịnh thứ 8 (năm 1800).

Chùa Cầu Đông thờ Phật theo dòng Tào Động, là một trong năm thiền phái của Phật giáo Việt Nam. So với các ngôi chùa trên địa bàn Hà Nội, tượng của chùa Cầu Đông tương đối nhiều với gần 60 pho tượng.

Cổ vật quan trọng nhất của chùa là ba pho tượng Tam Thế. Cả ba pho đều được tạo tác vào nửa đầu thế kỷ XVIII, hình thức gần giống nhau. Đây là 3 pho tượng đẹp, quý hiếm, đạt giá trị nghệ thuật cao, được thể hiện các nét trang trí như vòng đeo cổ (anh lạc), khuôn mặt nữ, mang đầy đủ quy chuẩn của tượng phật thế kỷ XVII-XVIII ở nước ta.

Trong thập điện còn có pho tượng Tuyết Sơn, nét điêu khắc đẹp, tinh tế, gần gũi với tượng Tuyết Sơn của chùa Tây Phương (Thạch Thất-Hà Nội).

Ngoài ra còn nhiều các pho tượng khác: tượng Di Lặc, Quan âm Thiên thủ, các pho tượng Thánh Mẫu. Tại chùa Cầu Đông còn có một ban thờ tượng Thái sư Trần Thủ Độ và phu nhân là Trần Thị Dung - những người có công lớn ở đầu triều đại nhà Trần.

Với nhiều giá trị lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, ngày 5/9/1989, Đình Đức Môn và chùa Cầu Đông đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng “Di tích kiến trúc, nghệ thuật”