Vị trí: Nhà thờ gỗ Kon Tum nằm trên đường Nguyễn Huệ, Tp. Kon Tum.
Đặc điểm: Nhà thờ được làm hoàn toàn bằng gỗ cà chít, theo phong cách Roman kết hợp với kiến trúc nhà sàn của người Ba Na được hoàn thành năm 1918.
Đến với thành phố Kon Tum có một địa chỉ mà du khách không nên bỏ qua đó là nhà thờ Chánh Tòa bằng gỗ đẹp và độc đáo có tuổi đời gần trăm năm.
Theo tư liệu lịch sử, vào những năm giữa thế kỉ 19, có một con đường dài 120 km tên gọi là con đường “Muối, gốm sứ và cồng chiêng” từ Quảng Ngãi lên KonTum. Con đường này hẻo lánh, hoang vu, gập ghềnh từ ngã ba Thạch Trụ, Quảng Ngãi qua Ba Tơ, đèo Violắc là con đường buôn muối, gốm sứ và cồng chiêng hoặc các vật dụng giao thương giữa người Kinh và người dân tộc trong khu vực. Khi đó những người truyền giáo Pháp cũng đã theo con đường này để bắt đầu công cuộc truyền giáo của mình và bắt đầu xây dựng các nhà thờ bằng gỗ hoặc tre, tranh nhỏ để truyền đạo. Ngôi nhà thờ đầu tiên được xây dựng vào năm 1870. Cho đến khi bắt đầu đông giáo dân, linh mục Giuse Decrouille được giao cai quản xứ đạo Kon Tum. Vào năm 1913 ông quyết định xây dựng ngôi nhà thờ lớn với vật liệu là gỗ cà chít. Công việc xây dựng ngôi nhà thờ kéo dài đến năm 1918 mới hoàn tất. Dù đã trải qua bao biến thiên lịch sử, cho đến nay ngôi nhà thờ vẫn không hề bị hư hỏng mà vẫn vững chắc.
Nhà thờ gỗ Kon Tum là một kiệt tác bởi được thiết kế theo kiến trúc Romantic, phối hợp hài hoà kiểu nhà sàn của người Ba Na nên đậm sắc thái văn hóa, tín ngưỡng người dân cao nguyên từ những đường nét họa tiết đến những điểm nhấn trên chất liệu. Nhà thờ là một công trình khép kín gồm: giáo đường, nhà tiếp khách, nhà trưng bày các sản phẩm dân tộc và tôn giáo, nhà rông. Ngoài ra còn có cô nhi viện, cơ sở may, dệt thổ cẩm, cơ sở mộc.
Công trình này được xây dựng bằng gỗ do những người thợ mộc lành nghề đến từ Bình Định và Quãng Ngãi. Trần và tường nhà thờ được xây bằng đất trộn rơm theo kiểu làm nhà truyền thống của người miền Trung. Trên tường rơm là những bức tranh kính màu về Chúa, Đức Mẹ rực rỡ khi ánh nắng vùng cao xuyên qua…
Khu hoa viên của nhà thờ có bức tượng Đức Mẹ hai tay nâng bế Chúa Hài Đồng được làm từ một thân gỗ nguyên sơ, tạc theo phong cách mộc mạc của các dân tộc Tây Nguyên. Chiếc thánh giá và các tượng trang trí bên ngoài lẫn bên trong nhà thờ như các con chiên, các tượng thánh bằng gốc rễ cây rừng làm không gian mang đậm màu sắc đại ngàn.
Có thể đến thăm nhà thờ gỗ Kon Tum vào bất cứ thời điểm nào. Nếu vào mùa hoa đậu nở, trên đường tới nhà thờ bạn sẽ gặp sắc hồng, sắc trắng của những con đường hoa làm lộng lẫy thêm nhan sắc KonTum. Nếu bạn đến vào dịp lễ Giáng Sinh, bạn sẽ gặp tại đây cả nghìn giáo dân đủ tộc người tìm đến nhà thờ, họ ở lại ngay bãi đất trống bên phải có khi cả tuần để tham dự lễ. Đó là những ngày nhà thờ náo nhiệt, đầy sức sống với cảnh mua bán tấp nập. Và trong phiên chợ này có rất nhiều sản phẩm thủ công từ các buôn làng đem theo bày bán. Còn nếu đến nhà thờ vào một ngày bình thường nào đó, sẽ gặp sự thầm lặng của một giáo đường. Hàng ghế hai bên hông nhà thờ vào lúc làm lễ là chỗ để giáo dân cầu nguyện, lúc này thành chỗ cho các em học sinh dùng để ôn bài học tập.
Không xa nhà thờ Chánh Tòa là chủng viện Kon Tum do vị giám mục đầu tiên của giáo phận Kon Tum xây dựng từ năm 1935 đến năm 1938, cũng có kiến trúc tương tự như nhà thờ nhưng quy mô lớn hơn. Bước qua cổng, du khách cảm thấy thư thái với hai hàng cây sứ lâu năm tỏa bóng mát, thoảng hương thơm dìu dịu trên đường vào trong chủng viện. Trên tầng hai của chủng viện có một phòng truyền thống trưng bày chi tiết về lịch sử truyền giáo tại Kon Tum từ giữa thế kỷ 19, gồm nhiều hiện vật, các bút tích... của những vị linh mục trên đường truyền đạo, các hình ảnh, tài liệu liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển của giáo phận Kon Tum. Các hiện vật, bản đồ trưng bày trong chủng viện đều rất giá trị, được chạm khắc bằng gỗ tỉ mỉ. Có thể coi đây là một bảo tàng nhỏ về vật dụng sinh hoạt, nông cụ, vật thể văn hóa các dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn tỉnh này.