Vị trí: Núi Đá Bia thuộc xã Hòa Tâm, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, nằm dọc quốc lộ 1A trên dãy núi Đèo Cả, cách thành phố Tuy hòa 23km về phía Nam.
Đặc điểm: Năm 1471 vua Lê Thánh Tông sau khi thu phục kinh đô Chà Màn đã qua đây khắc chữ lên mặt đá làm bia phân định ranh giới Đại Việt - Chiêm Thành.
Ði từ chân núi Ðá Bia lên đến đỉnh 2.280m, đá bia chỉ ở độ cao khoảng 706m. Theo tương truyền, năm Tân Mão, niên hiệu Hồng Ðức thứ 2 (1471), sau khi thu phục kinh đô Chà Màn, vua Lê Thánh Tông thừa thắng tiến đến đây cho khắc chữ lên mặt đá, làm bia định ranh giới giữa hai nước Ðại Việt - Chiêm Thành. Ðại Nam quốc sử diễn ca của Lê Ngô Cát và Phạm Ðình Toái ghi lại công lao mở mang bờ cõi của vua Lê Thánh Tông:
Mở mang Quảng Nam, đặt Trấn Nanh
Ðề phòng muôn dặm, uy linh ai bì
Kỷ công núi có đá bia
Thi văn các tập Thần khuê còn truyền.
Không những Ðá Bia có một lịch sử của ngàn xưa mà đây còn là một thắng cảnh tuyệt đẹp. Ðường lên đỉnh Ðá Bia có nhiều trạm nghỉ để du khách dừng chân chiêm ngưỡng phong cảnh. Phóng tầm mắt nhìn về bốn hướng du khách sẽ thấy non xanh nước biếc, làng mạc, quê hương như một bức tranh hùng tráng. Nhìn xuống phía đông, Vũng Rô hiện ra phẳng lặng, huyền ảo dưới những đám mây bồng bềnh. Hướng tây đường lên Ðèo Cả như những dấu hỏi, dấu ngã, những nét vẽ ngoằn ngoèo ngộ nghĩnh; từ quốc lộ 1A những khúc quanh Hảo Sơn như những nét chấm phá tương phản với biển, hồ, với dòng Bàn Thạch loang nước. Thỉnh thoảng hiện ra những ô ruộng mới sạ vuông vắn của cánh đồng bát ngát dưới chân núi.
Ðỉnh Ðá bia là một ước vọng lớn và là một nỗi đam mê tột cùng của người dân Phú Yên. Từ lâu người dân hình dung ra đá bia là một cái gì đó thiêng liêng (dân gian kính trọng gọi là Ông Bia). Kính trọng Ông Bia để chiêm ngưỡng, tạo ra một nơi thờ phụng trên ngọn Ðá Bia để các thế hệ con cháu lên tế lễ tiền nhân và những anh hùng liệt sỹ hy sinh trong vùng này bỏ mình vì đất nước. Quy tụ hoa thơm cỏ lạ trên khắp dãy núi Ðèo Cả trồng thành một vườn hoa trên núi Ðá Bia tạo ra các lối đi để du khách chiêm ngưỡng trời đất.