Trong chế độ phong kiến, đôi lứa kết duyên, nên vợ nên chồng đâu chỉ vì tình yêu của họ, đâu phải vì “đôi lứa xứng đôi”. Cái quan trọng, cái cốt lõi trong hôn nhân thời ấy là môn đăng hộ đối, tức là hai gia đình thông gia phải có sự ngang nhau về nhà cửa, của cải, và tương đương nhau về địa vị xã hội:

“Phú ông một hôm mắng em và bảo: “Bao nhiêu đám môn đăng hộ đối không lấy, phải chăng muốn lấy con nhà chùa?” (Nguyễn Đổng Chi. “Kho tàng chuyện cổ tích Việt Nam”).

Môn đăng hộ đối trước hết là tương xứng về nhà cửa, gia thế. Các yếu tố môn, hộ có nghĩa là “cửa, nhà”, các yếu tố đăng, đối được tách ra từ tổ hợp đăng đối với nghĩa là “ngang bằng, đối hợp nhau”. Vậy là, từ chỗ so sánh rất cụ thể về cái nhà, cái cửa, thành ngữ môn đăng hộ đối được mở rộng nghĩa để chỉ gia thế, địa vị xã hội giữa hai bên. Đôi lứa, duyên số phù hợp nhau, xứng đáng kết tóc xe tơ chỉ khi địa vị gia đình họ ngang bằng nhau:

Xã hội phong kiến không chấp nhận những câu chuyện tình giữa các đôi lứa thuộc đẳng cấp chênh lệch nhau:

“Một công tử con quan tể tướng lại lấy một cô gái lái đò làm vợ thì còn đâu là môn đăng hộ đối!” (“Giai thoại Thăng Long”).

Biến thể của thành ngữ môn đăng hộ đối là môn đương hộ đối. Dạng thức này có ý nghĩa và cách dùng tương tự như môn đăng hộ đối.

“Ừ, em vua nước Tây làm rể hoàng đế nước Nam, môn đương hộ đối như thế, tưởng cũng không mấy người có được” (Danh nhân Hà Nội).