Diện tích: 9.112,3 km²
Dân số: 382,4 nghìn người (2010).
Tỉnh lỵ: Thị xã Lai Châu
Các huyện: Mường Tè, Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ, Than Uyên, Tân Uyên.
Dân tộc: Thái, H'Mông, Việt (Kinh), Giáy, Dao
 
Congdongviet net -200330-131236.PNG

Điều kiện tự nhiên

Lai Châu là tỉnh miền núi cao, nằm ở phía bắc sông Đà. Phía bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), phía đông bắc giáp tỉnh Lào Cai, phía đông nam giáp tỉnh Yên Bái, phía nam giáp tỉnh Sơn La, phía tây và tây nam giáp tỉnh Điện Biên. Khí hậu mang tính chất gió mùa chí tuyến. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 21ºC - 23ºC chia làm 2 mùa, mùa mưa và mùa khô.

Địa hình tỉnh Lai Châu được cấu tạo bởi những dãy núi chạy dài theo hướng tây bắc - đông nam, có nhiều đỉnh núi cao, đỉnh Pu Sa Leng cao 3.096m. Núi đồi cao và dốc, xen kẽ nhiều thung lũng sâu và hẹp, có nhiều cao nguyên, sông suối. Sông có nhiều thác ghềnh, dòng chảy lưu lượng lớn nên tiềm năng thuỷ điện rất lớn.

Tiềm năng phát triển du lịch

Lai Châu là một tỉnh có phong cảnh thiên nhiên hữu tình, giàu tiềm năng du lịch. Nơi đây còn có những bản làng dân tộc với nhiều phong tục tập quán vẫn nguyên sơ như bản Sìn Hồ. Các thắng cảnh của tỉnh là suối Mường Lai, hang Tiên Sơn...

Giao thông

Mạng lưới giao thông chủ yếu là đường bộ. Tỉnh có quốc lộ 12 chạy qua nối từ Tp. Điện Biên Phủ tới Trung Quốc (qua cửa khẩu Ma Lu Thàng), có quốc lộ 4D nối tới thị trấn Sa Pa (Lào Cai). Thị xã Lai Châu cách Hà Nội khoảng 406km (qua Lào Cai)

Huyện Than Uyên

Diện tích: 79, 687 km2
Dân số: 55 299 người (31/12/2008)
Dân tộc: gồm 6 thành phần dân tộc (Kinh, Mông, Dao, Thái, Khơ Mú, khác )

Đơn vị hành chính:
- Thị trấn: Thị trấn Than Uyên
- Xã: Pha Mu, Mường Mít, Phúc Than, Mường Than, Mường Cang, Hua Ná, Tà Hừa, Tà Gia, Tà Mung, Mường Kim, Khoen On
Nằm ở phía Tây Nam tỉnh Lào Cai, huyện Than Uyên là vùng đất có một quá trình phát triển lâu dài từ nền văn hoá Hoà Bình đến văn hoá Đông Sơn. Sang thời phong kiến, đời Lý – Than Uyên thuộc mường Tiến Châu Đăng; đời hậu Lê thuộc châu Chiêu Tấn, phủ An Tây trong thừa tuyên Hưng Hoá; đời Tự Đức triều Nguyễn, Than Uyên là lỵ sở châu Chiêu Tấn. Ngày 28/6/1909 thực dân Pháp đặt ra châu Than Uyên (gồm cả huyện Mù Cang Chải tỉnh Yên Bái hiện nay) thuộc tỉnh Lai Châu. Ngày 20/2/1920 châu Than Uyên lại sát nhập tỉnh Yên Bái. Sau hoà bình lập lại năm 1955, châu Than Uyên thuộc khu tự trị Thái Mèo (khu Tây Bắc). Cuối năm 1962 thành lập tỉnh Nghĩa Lộ, Than Uyên là huyện thuộc tỉnh Nghĩa Lộ. Ngày 3/1/1976 Than Uyên là một huyện của tỉnh Hoàng Liên Sơn (sau khi sát nhập 3 tỉnh Lào Cai – Yên Bái – Nghĩa Lộ thành Hoàng Liên Sơn). Từ tháng 10/1991 huyện thuộc tỉnh Lào Cai. Sau khi tách tỉnh Lai Châu mới ngày 01/01/2004, Than Uyên được tách khỏi tỉnh Lào Cai và trở thành 1 huyện của tỉnh Lai Châu. Từ tháng 01/2009, Than Uyên tách thành 2 huyện là Than Uyên mới và Tân Uyên.

Là một thung lũng lớn khép kín giữa hai núi Phan Xi Păng và Púng Luông, thiên nhiên đã tạo hoá cho Than Uyên có hệ thống sông suối chằng chịt tiêu biểu là sông Nậm Mu chảy qua huyện với chiều dài 160 km, có độc dốc lớn là nguồn năng lượng vô tận thuận lợi cho việc phát triển thuỷ điện nhỏ ở địa phương. Có diện tích đất nông nghiệp và đồng cỏ khá lớn gần 40.000 ha, nhất là cánh đồng Mường Than - một trong 4 cánh đồng màu mỡ nổi tiếng khu Tây Bắc “nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” là tiềm năng không nhỏ cho việc phát triển kinh tế nông nghiệp nhấtlà trồng trọt cây lương thực, công nghiệp chè và chăn nuôi gia súc, trong đó trồng và sản xuất chè là kinh tế mũi nhọn của Than Uyên.

Đến Than Uyên bạn có thể thăm di tích đèo Khau Co nơi nghĩa quân Mường Lay, Mường Khoa ở địa phương chặn đánh bọn thực dân Pháp kịch liệt ngày 20/11/1886 khi chúng tấn công lên huyện Than Uyên.

Bản Nà Khoảng (xã Mường Kim) - một trong những căn cứ du kích thời kỳ chống Pháp, tiểu phỉ những năm 1950-1951 góp phần giải phóng Than Uyên ngày 15-10-1952…Hang Che Bó (xã Mường Than) - một quần thể hang động nằm sâu trong lòng núi dài gần 750 km không chỉ có suối chảy trong vắt thú vị, mùa đông thì ấm áp, hè đến thì mát rượi với nhiều loại cá cảnh bơi lội tung tăng mà còn nhiều nhũ đá, tượng bụt kỳ ảo có giá trị thẩm mỹ. Quần thể thắng cảnh Tà Gia có nhiều hang động đẹp; dãy núi đá vôi bạt ngàn với thảm thực vật phong phú; có dòng sông Nậm Mu trong xanh cùng với hang động núi rừng tạo hoá cho Tà Gia bức tranh “Sơn thuỷ hữu tình”, có bản làng người Thái cổ truyền với mái nhà sàn độc đáo.

Đến Than Uyên có thể ngắm nhìn trang phục, chăn gối, khăn đội với nhiều mô típ hoa văn rực rỡ sắc màu; nghe nhiều truyện cổ dân gian về lịch sử thiên nhiên, non nước con người; tắm mình trong dòng suối dân ca và nhảy múa say sưa trong các điệu “Xoè vòng” người Thái, “Lăm vông” người Lào. Vui chung với những giờ phút thăng hoa trong các lễ hội: Xên Mường người Thái, bắt cá người Kháng, cầu mưa té nước người Lự, bảo vệ hồn lúa người La Ha…Tất cả những truyền thống đó là tiềm năng ẩn chứa thuận lợi cho việc phát triển du lịch sinh thái và văn hoá dân gian.