Cổ Trai là một trong 6 thôn thuộc xã Đại Xuyên (Phú Xuyên, Hà Tây) gồm: Kiều Đông, Kiều Đoài, Cổ Trai, Thường Xuyên, Thái Lai và Đa Chất.

Hệ thống đình, chùa ở Đại Xuyên được xây dựng từ khá sớm, có quy mô bề thế và đều có sự tu bổ, sửa chữa ở các triều đại phong kiến về sau. Tiêu biểu hiện nay ở đình Cổ Trai, với những mảng chạm trên hệ thống bộ vì, các đầu dư mang phong cách nghệ thuật tương ứng với dòng Lạc khoản ghi trên câu đầu tại Đại bái đình: “Hoàng triều Cảnh Hưng tứ thập tứ niên tu tạo” (1783). Đình Cổ Trai thờ Trung Thành Đại vương - một vị thiên thần thời Hùng vương thứ XVIII. Nói đến vị thần, sách Đại Nam nhất thống chí có ghi: “Đền thần Trung Thành ở xã Đa Chất, huyện Phú Xuyên. Tương truyền thần Trung Thành tức là thủy thần ở ngã ba Bạch Hạc”. Nhiều làng quanh khu vực cũng thừa nhận Thành hoàng ở đình Đa Chất là chính, các làng khác chỉ thờ vọng. Mỗi quê hương làng xóm đều có những nét văn hóa riêng biệt, được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Đặc biệt nhân dân Đại Xuyên, tuy mỗi thôn có giọng nói khác nhau, nhưng từ xưa đã hình thành nên bản sắc văn hóa truyền thống chung, mang đặc trưng của cộng đồng cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Đó 1à tinh thần đoàn kết, tương trợ nhau trong lao động. Điều đó được xuất phát từ yêu cầu của công tác trị thủy (sông Lương và sông Nhuệ chảy qua), đòi hỏi người dân phải phòng, chống lụt lội... Hàng năm, nhân dân Đại Xuyên đều tổ chức lễ hội truyền thống từ ngày 10-8 đến 15-8 (âm lịch). Nhân dân các thôn với trang phục lễ hội truyền thống cùng đoàn rước đến đình Đa Chất rước Thành hoàng về đình làng mình.

Đối với làng Cổ Trai, lễ hội truyền thống được tổ chức từ ngày mùng 8 đến ngày 11-8 (âm lịch). Trước ngày Đại kỳ phước, trong làng nhà nhà, người người cùng nhộn nhịp chuẩn bị cho lễ hội. Ngày mồng 7-8, cụ thủ từ và các cụ trong làng gia đình song toàn, không vướng bụi ra đình làm lễ Mộc dục và phong mã cho long ngai bài vị thờ thánh. Nước làm lễ Mộc dục được lấy từ sông Lương trước đó.

Tiêu biểu và đông vui là ngày hội rước nước do nhân dân địa phương tiến hành. Lực lượng tham gia lễ rước được chia thành 2 đội. Các đội này mặc trang phục ngày hội. Đi đầu đoàn rước là đội múa rồng, lộng lẫy uy nghi, uốn lượn theo nhịp trống, phách dồn dập. Múa rồng là một nghệ thuật, đòi hỏi người múa sao cho giống “rồng bay”, uốn lượn nhịp nhàng. Tiếp sau là đội bát âm, nhã nhạc như: Sáo, nhị, đàn gảy, tù và... Cụ thủ từ tay cầm trống khẩu làm điều lệnh đối với đội kiệu. Kiệu, chóe đựng nước do 4 thanh niên trai tráng khỏe mạnh khiêng. Chiếc chóe sứ đặt trên bệ để trên kiệu và có lọng che. Đoàn người trong trang phục ngày hội nối tiếp nhau rước kiệu tới bờ sông Lương. Đến bờ sông thì đoàn rước dừng lại. Trên sông đã có hàng chục chiếc thuyền kết đầy cờ hội chờ sẵn. Sau tràng pháo nổ, tiếng trống, tiếng tù và, sáo, nhị, đàn gảy, nghi lễ lấy nước được tiến hành. Người được chọn giao lấy nước là một cụ cao niên trong làng, khỏe mạnh, có đức độ, mặc lễ phục dùng gáo dừa để lấy nước đổ vào chóe. Khi chóe đã đầy nước, sau một hồi trống giục thì nước được đưa vào bờ. Đoàn rước theo thứ tự như lúc đi trở về đình. Nước này được dùng để tế hàng tháng.

Lễ rước nước trong lễ hội làng Cổ Trai đưa chúng ta trở về với không khí của những hội làng thuở xưa. Nội dung lễ rước nước này mang đậm nét tín ngưỡng cầu nước của cư dân nông nghiệp. Đây là một động thái thiêng liêng đã trở thành một nghi lễ mở đầu cho nhiều hội làng ở vùng đồng bằng Bắc bộ.

Lễ hội làng Cổ Trai được diễn ra trong một không gian thiêng như đưa chúng ta trở về với quá khứ, niềm cộng cảm của cộng đồng được tái hiện, đắm chìm trong những ước vọng của người xưa cầu cho dân khang vật thịnh, mùa màng bội thu. Lễ hội chính là lễ hội của cư dân nông nghiệp lúa nước ẩn tàng trong các trò chơi diễn xướng dân gian. Lễ hội được tổ chức hàng năm là dịp để người dân nơi đây tưởng nhớ Thành hoàng làng nhưng thực chất là để tưởng nhớ tới tổ tiên, qua đó giáo dục tinh thần yêu quê hương, đất nước cho toàn thể cộng đồng, ý thức bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.