Lễ hội nghinh Ông - một lễ hội dân gian cổ truyền được hình thành, phát triển và duy trì cho đến nay ở huyện biển Gò Công Đông. Lễ hội nghinh Ông được tổ chức vào đêm 15 rạng ngày 16 tháng 6 âm lịch hàng năm. Khoảng hơn 20 năm nay, mùng 10 tháng 3 âm lịch được chọn để tổ chức lễ hội. Tháng này biển lặng, ngư dân thảnh thơi nghỉ đánh bắt; ngày này lại có con nước lớn vào ban ngày đã giúp cho việc tổ chức Lễ hội nghinh Ông thuận tiện, đông vui và an toàn. Phần lễ, theo thông lệ hàng năm, cúng Ông có tất cả 4 lễ, diễn ra trong 2 ngày mùng 9 và mùng 10 tháng 3 âm lịch. Phần hội chủ yếu là các đoàn hát bội được mời về xây chầu để diễn các tuồng tích xưa tại võ ca của lăng để dân chúng thả sức xem hát, ăn uống, vui chơi. Song song đó, nhiều trò chơi dân gian được tổ chức như: Kéo co, bơi lội, đẩy cây,… thu hút nhiều thành phần tham gia, góp phần tạo cho không khí ngày hội càng thêm vui tươi, huyên náo.

Có thể nói, trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Lễ hội nghinh Ông đã bảo tồn và nuôi dưỡng các giá trị văn hoá ở vùng biển, góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hoá địa phương. Mặc dù trải qua nhiều biến động của lịch sử, nhưng cộng đồng ngư dân vùng biển ở Tiền Giang vẫn duy trì được tập tục thờ cá Ông, một tín ngưỡng của làng nghề truyền thống và được tổ chức lễ hội hàng năm tuỳ theo điều kiện thực tế cho phép; đặc biệt là các nghi thức cổ truyền vẫn gìn giữ và lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Từ khi các lễ hội văn hoá dân gian được phục hồi, Lễ hội nghinh Ông ở Gò Công Đông cũng chuyển mình sống dậy.

Lễ hội nghinh Ông ở Gò Công Đông là một biểu tượng văn hoá dân gian cổ truyền, là di sản văn hoá phi vật thể, là phần cụ thể nhất của bản sắc văn hoá địa phương. Đồng thời cũng là một bộ phận đặc sắc trong kho tàng di sản văn hoá dân tộc. Nội dung, chương trình của lễ hội ngoài việc phản ánh quan niệm về vũ trụ, nhân sinh, còn phản ánh đời sống tinh thần của mỗi cá nhân, của cộng đồng cư dân vùng biển Gò Công.

Lễ hội nghinh Ông được cộng đồng sáng tạo và gìn giữ, lưu truyền nhằm thể hiện những ước nguyện, những khát vọng tâm linh và thẩm mỹ trong cuộc sống đời thường.

Để không có sự biến tướng của Lễ hội nghinh Ông, nhất thiết cần có những định hướng đúng đắn và kịp thời trong việc tổ chức, quản lý; để cho dù xã hội càng hiện đại, thì Lễ hội nghinh Ông càng phát triển cả về hình thức lẫn nội dung, tạo ra những giá trị mới nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá của công chúng trong thời đại mới mà vẫn giữ được bản sắc văn hoá dân tộc.

Lễ hội nghinh Ông ở Gò Công Đông cho đến nay vẫn còn giữ được bản sắc riêng của một lễ hội dân gian. Tuy nhiên, đối với công chúng, đặc biệt là công chúng lao động thì ranh giới giữa niềm tin, tín ngưỡng với mê tín dị đoan là rất mong manh, nghĩa là khi có vấn đề suy sụp về tinh thần, từ tín ngưỡng dân gian chuyển sang trạng thái tin tưởng một cách mù quáng chỉ là một tích tắc và sẽ dẫn đến mê tín dị đoan. Mặt khác, nước ta đang trong thời kỳ mở cửa hội nhập giao lưu với các nước, thì việc bảo tồn nguyên gốc các đặc trưng vốn có của lễ hội này lại càng khó và nguy cơ lai căng, biến tướng, lợi dụng lễ hội để làm kinh tế rất dễ xảy ra. Chính vì vậy, cơ quan chức năng cần sớm có định hướng cho người dân trong vấn đề tổ chức, duy trì, phát triển lễ hội để giữ được bản sắc của một lễ hội cổ truyền vốn có từ bao đời nay và giữ gìn được sắc thái riêng của văn hoá địa phương.