Lễ hội Gò Tháp được tổ chức mỗi năm hai lần vào tháng Ba và tháng Mười một âm lịch, từ chiều 14 đến rạng sáng 16 tháng Ba là lễ hội tưởng niệm bà Chúa Xứ, tương truyền là người có công lao trong việc khai phá, tạo dựng và phát triển vùng này, từ chiều 14 đến rạng sáng 16 tháng Mười một là lễ hội tưởng niệm hai vị anh hùng dân tộc Thiên Hộ Dương (Võ Duy Dương) và Đốc Binh Kiều (Nguyễn Tấn Kiều), những thủ lĩnh nghĩa quân đã kiên cường chống thực dân Pháp đến xâm lược hồi nửa cuối thế kỷ 19. Cứ mỗi độ lễ hội, dường như nhịp sống của người dân Tháp Mười khác đi. Từng đoàn, từng đoàn khách thập phương từ các nơi kéo về với đủ mọi phương tiện: xe khách, xe lam, tàu, ghe... bình quân trên, dưới năm mươi nghìn người mỗi kỳ.

Lễ hội ở Gò Tháp có hai phần rõ rệt: phần nghi thức cúng lễ và phần hội hè. Ngoài các lễ cúng chính trong mỗi kỳ hội như cúng bà Chúa Xứ, cúng Thiên Hộ Dương, Đốc Binh Kiều còn cử hành một số lễ phụ khác như: lễ cầu an, cúng Thần nông, lễ thỉnh sinh... Mỗi nội dung lễ cúng có nghi thức hành lễ không giống nhau nhưng có nét chung nhất là đều có bài văn tế do bô lão chánh bái vừa đọc vừa diễn. Kèm theo là các tiết mục lễ nghi phụ họa như: dàn nhạc lễ réo rắt, dâng trà, rượu, hương. Nội dung văn tế là ca ngợi công đức của các bậc tiền nhân hay cầu khẩn đất trời, cho "quốc thái, dân an", mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu... Trong phần hội hè, những tiết mục như múa hát, trò chơi dân gian, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật rất phong phú làm cho con người quên đi những vất vả của cuộc sống thường nhật để tìm đến với nhau trong nỗi đồng cảm hướng về cái thiện.

Đến với lễ hội Gò Tháp là bước vào hoạt động văn hóa tổng hợp, đan xen và hòa lẫn vào nhau: giữa vật chất và tinh thần, giữa tín ngưỡng và văn hóa, giữa cái thiêng liêng và cái đời thường, giữa cổ xưa và đương đại... Lễ hội Gò Tháp mang tính chất dân gian và in đậm dấu ấn một thời mở cõi, phản ánh những khát vọng và ước mong tha thiết của người nông dân Đồng Tháp Mười. Do vậy, có sức cuốn hút ngày càng đông khách thăm.