Làng gốm Bàu Trúc (tiếng Chăm gọi là Palay Hamuk) nằm cách thị xã Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 10km về hướng Nam. Toàn làng có 440 hộ với 2.887 nhân khẩu dân tộc Chăm, trong đó 80% số hộ gắn bó với nghề gốm truyền thống. Đây là một làng nghề vào loại cổ xưa nhất Việt Nam.
Theo truyền thuyết, nghề làm gốm do vợ chồng ông tổ Poklong Chanh dạy cho phụ nữ trong làng từ ngàn xưa. Để tưởng nhớ công ơn của tổ nghề, bà con lập đền thờ tổ chức cúng tế Poklong Chanh vào dịp lễ hội Katê hàng năm. Ngoài nghề làm ruộng lúa, chăn nuôi gia súc thì nghề gốm được xem là ngành sản xuất chính ở địa phương. Tuy chưa thể giàu lên từ nghề gốm nhưng nhiều gia đình có cuộc sống ổn định nhờ vào bàn tay tài hoa của những người thợ gốm thủ công.
Ở làng Bàu Trúc, tất cả phụ nữ Chăm đều biết làm gốm. Các cháu gái 12-15 tuổi bắt đầu học nghề gốm, khi có chồng phải biết làm đủ các sản phẩm từ ấm đất đến lu đựng nước. Sắc đỏ gốm nung đã thấm vào máu thịt của bà con. Cả tỉnh Ninh Thuận có hàng chục làng Chăm nhưng chỉ có bàn tay phụ nữ và đất sét làng Bàu Trúc mới làm được đồ gốm. Người làm gốm gửi tình cảm, tâm linh mình vào từng đường nét hoa văn. Vì vậy sản phẩm của mỗi người thợ có những “tiếng nói” riêng không thể trộn lẫn được. Mỗi sản phẩm đã bán đi 5-10 năm, khi gặp lại họ vẫn nhận được mặt hàng do tay mình làm ra.
Nghề làm gốm rất công phu. Đất sét lấy từ đồng làng về đập nhỏ. Trước khi nặn gốm phải ủ đất một đêm với lượng nước vừa phải. Sáng hôm sau, đem đất trộn với cát mịn nhào nhuyễn. Phụ nữ Chăm nặn gốm hoàn toàn bằng tay, không dùng bàn xoay như những nơi khác. Sau khi tạo dáng, sản phẩm được đem ra phơi nắng 4-6 giờ rồi dùng mảnh sàng làm láng. Mỗi gia đình sản xuất gốm mộc trong thời gian 5-10 ngày rồi đưa ra nung chín. Lò nung lộ thiên, sản phẩm gốm được ủ rơm dùng củi đốt trên những vùng đất trống trong làng. Thời gian đốt 4-5 giờ là gốm chín, có màu đỏ tươi nguyên của đất sét được tôi luyện qua lửa. Sản phẩm ra lò được những già làng chọn lựa, những sản phẩm đủ tiêu chuẩn mới được đưa ra thị trường tiêu thụ. Sản phẩm nung chưa đủ độ chín, có vết rạn nứt được loại bỏ ngay khi ra lò. Nhờ coi trọng chất lượng, sản phẩm gốm làng Bàu Trúc được thị trường các tỉnh khu vực miền Trung-Tây Nguyên tiêu thụ ổn định, hàng trăm ngàn sản phẩm mỗi năm. Sau khi trừ hết mọi chi phí, người thợ làng gốm có thu nhập mỗi ngày công lao động 20.000-25.000 đồng.
Nếu được sự hỗ trợ giúp đỡ của các ngành chức năng tỉnh Ninh Thuận tìm thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, sản phẩm gốm Bàu Trúc dưới hình thức quà lưu niệm du lịch các tượng thần bằng đất nung sẽ tạo bước phát triển mới cho một làng nghề truyền thống độc đáo của cộng đồng dân tộc Chăm ở Việt Nam.