Hoa văn, họa tiết trên thổ cẩm của người Dao

Dân tộc Dao có nhiều nhóm địa phương và phương ngữ khác nhau, mỗi nhóm đều có trang phục riêng.Trang phục Dao đỏ thích dùng mầu đỏ tươi rực rỡ để trang trí : khăn đỏ, bông trên ngực áo, cổ áo, trên khăn đỏ, tua đỏ, yếm đỏ, nẹp ngực áo đỏ, yếm lưng đỏ, yếm che trước bụng đỏ, mầu thêu trên quần cũng dùng các mầu sắc đỏ. Hoa văn trang trí thêu dày đặc. Các vật liệu trang trí như bạc, nhôm, hạt cườm có tác dụng phát sáng, mầu sắc lóng lánh, lung linh được sử dụng nhiều càng làm tôn vẻ rực rỡ sang trọng cho bộ y phục đầy bản sắc của dân tộc mình.

Dao Đỏ, Dao Tiền, Dao Coóc mùn, Dao Ôgang, Dao Quần chẹt đều có kỹ thuật thêu thoáng trên nền vải đen, vải chàm. Kỹ thuật thêu thoáng này để lộ nền đen, nền chàm ẩn ngay trong các họa tiết, có tác dụng làm giảm độ rực chói, mạnh mẽ của các mầu nguyên sắc làm cho hòa sắc chung có độ chuyển êm, trầm, nhuần nhụy. Đó là điều đặc sắc cho sắc thái trang trí Dao.

Ngoài những họa tiết là vốn chung của nhiều dân tộc như hình hoa tám cánh, chữ S, mào gà, chữ vạn, người Dao có nhiều sáng tạo họa tiết riêng cho trang trí, khai thác các hình tượng trong thiên nhiên có cách điệu kỹ hà hóa cao nhưng vẫn nghiêng về xu hướng diễn tả gần gũi với hiện thực như: cây thông, người, ngựa, chim, chó, sóng nước, mặt trời, mặt trăng, ngôi sao... là những thành tựu trang trí đặc sắc của họ.

Trong trang trí Dao có những họa tiết thể hiện tín ngưỡng vật tổ của dân tộc như hình "Tua chồ" (Con chó) theo truyền thuyết của người Dao, Bình Vương - hay Bình Hoàng Đế, nuôi được con chó Tiên đẹp đẽ và khôn ngoan. Gặp lúc vua nước láng giềng là Cao Vương đem quân xâm lược. Bình Vương cùng tướng sĩ, quân lính chống giặc bị thất bại. Trước hiểm nguy của đất nước, Bình Vương liền hiệu triệu thần dân trong cả nước góp sức chống giặc và hứa hẹn rằng: Nếu ai dẹp được giặc ngoại xâm, sẽ được vua gả công chúa và truyền ngôi cho. Con chó Tiên liền xin đi dẹp giặc. Chó Tiên vượt biển đến ở ngay trong nhà Cao Vương, nhân lúc Cao Vương say rượu, chó Tiên xông vào cắn đứt cổ Cao Vương, ngậm đầu Cao Vương vượt biển đem về dâng trình Bình Vương. Dẹp được giặc, nhớ lời hẹn, vua gả công chúa cho chó Tiên biến thành người, đẹp duyên cùng công chúa và được lên ngôi báu trị vì đất nước, đó là Bàn Vương. Theo quan niệm của người Dao thì Bàn Vương là thủy thổ của họ. Người Dao có hơn 12 dòng họ, nhưng đều suy tôn họ Bàn là họ gốc và là anh cả của các dòng họ. Truyền thuyết cũng kể rằng, Bàn Vương khỏe mạnh, trường thọ, sống tới 800 tuổi, cho nên việc trang trí họa tiết hình chó trên áo, ngoài ý nghĩa là vật tổ để ghi nhớ công ơn tổ tiên, truyền thống của dòng họ, còn có ý thức phương thuật cầu mong phép thiêng của tổ tiên che chở để cháu con được yên bình, khỏe mạnh trong cuộc sống. Người Dao còn thêu họa tiết, dấu ấn của Bàn Vương trên lưng áo của cả người nam và nữ cũng mang ý nghĩa này, nhưng theo phong tục tập quán tín ngưỡng của dân tộc, họ còn quan niệm rằng: Khi người ta chết đi, được mặc áo có các loại họa tiết này trong lúc khâm liệm thì linh hồn mới được tổ tiên đón nhập vào cõi thiên đường, siêu linh tịnh độ.

Bàn Vương còn được coi là một trong ba vị thánh tiên của Đạo giáo Trung hoa là tôn giáo có nhiều ảnh hưởng trong đời sống văn hóa tinh thần trong đó có trang phục của người Dao.