Gánh xẩm thường đi hát rong ở các chỗ tụ hội đông người, do một gia đình mà người chủ mắc tật mù lòa lập ra. Họ trải manh chiếu ngồi bệt xuống đàn hát hết bài nọ sang bài kia. Một cái thau đồng đặt trước mặt đón nhận những đồng xu, đồng hào của người nghe, vây chung quanh.
Diễn viên xẩm phải thuộc nhiều làn điệu như Xẩm chợ, Xẩm xoan, Xẩm dựng, Xẩm xếp... lại phải thuộc nhiều bài hát, tích hát kể chuyện cổ tích, ca ngợi anh hùng tiết tháo, cổ vũ tinh thần yêu nước, tương thân tương ái đồng bào, giáo huấn về đạo lý làm người, răn đời khuyến thiện, trừ ác...
Nam hát giọng “thổ” kiêm kéo hồ gáo, gảy đàn bầu, gõ trống mảnh. Nữ ngân cao giọng “kim” khi lĩnh xướng, gõ phách đệm. Lại có trẻ em giọng chưa vỡ, lanh lảnh hát đế hoặc phụ họa.
Bài hát kể tích cổ như Tống Trân - Cúc Hoa mộc mạc mà xúc động: "Chàng ơi lên ngựa ra đi / Để thiếp dắt mẹ ở thì nơi nao / Xưa nay sum họp có nhau / Bây giờ mưa nắng biết hầu cậy ai..."
Lại có khi miêu tả chân dung một tên quan lại đáng ghét: "Khi bình làm hại dân ta / Túi tham mở rộng chẳng tha miếng gì / Đến khi hoạn nạn gian nguy / Mắt trông lơ láo chân đi gập ghềnh..."
Lời hát than thân trách phận, vợ chồng nhắn nhủ nhau... cứ lan tỏa trong không gian, lặng lẽ lắng đọng vào lòng người nghe, làm cho những canh hát xẩm gần gũi với công chúng, người hát với người nghe hòa chung nỗi niềm tâm sự...