Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên có bốn cô con gái. Hai người lớn nhất và trẻ nhất có chồng Việt. Người thứ nhì là công chúa Ngọc Vạn kết hôn với vua Chân Lạp. Vậy số phận cô công chúa thứ ba tên là Nguyễn Phúc Ngọc Khoa như thế nào mà trong Đại Nam liệt truyện tiền biên, tiểu truyện của Ngọc Khoa cũng đề là „khuyết truyện“ ?

May thay, sách Nguyễn Phúc tộc thế phả, do chính Hội Đồng Nguyễn Phúc tộc viết lại, đã chép rằng:"...Năm tân mùi [1631] bà [Ngọc Khoa] được đức Hy Tông [Sãi Vương] gả cho vua Chiêm Thành là Pôrômê. Nhờ có cuộc hôn phối nầy mà tình giao hảo giữa hai nước Việt Chiêm được tốt đẹp (7)

Vấn đề không đơn giản chỉ là tình giao hảo giữa hai nước, mà lý do cuộc hôn nhân nầy còn sâu xa hơn nhiều.

Thứ nhất, chiến tranh giữa hai miền Nam Bắc vừa mới bùng nổ năm đinh mão (1627) tại vùng Bố Chính (Quảng Bình ngày nay).

Thứ nhì, năm 1629, lưu thủ Phú Yên là Văn Phong (không biết họ) liên kết vơi người Chiêm Thành nổi lên chống lại chúa Nguyễn. Sãi Vương liền cử Phó tướng Nguyễn Hữu Vinh, chồng của công chúa Ngọc Liên, đem quân dẹp yên, và đổi phủ Phú Yên thành dinh Trấn Biên.( Sãi Vương rất lo ngại nếu ở phía nam, Chiêm Thành mở cuộc chiến tranh chống chúa Nguyễn thì ông sẽ lâm vào tình trạng“lưỡng đầu thọ địch“.

Thứ ba, vào cuối thế kỷ 16, người Chiêm Thành thường buôn bán với người Bồ Đào Nha ở Macao, thuộc địa của Bồ trên đất Trung Hoa. Thương thuyền Bồ Đào Nha hay ghé buôn bán trao đổi với người Chiêm ở các hải cảng Cam Ranh và Phan Rang.(9) Do đó, nếu triều đình Chiêm Thành liên kết với người Bồ Đào Nha để chống lại Đại Việt, thì thật là nguy hiểm chẳng những cho chúa Nguyễn và nguy hiểm cho cả nước ta. Điều nầy làm cho chúa Nguyễn lo ngại, nhất là khi Pô Ro mê là một người anh hùng, lên làm vua Chiêm Thành (trị vì 1627-1651).(10)

Có thể vì các nguyên nhân trên, Sãi Vương quyết định phải dàn xếp với Chiêm Thành, và đưa đến cuộc hôn nhân hòa hiếu Việt Chiêm năm 1631 giữa Ngọc Khoa, con của Sãi Vương, với vua Chiêm là Poromê, nhắm rút ngòi nổ của phía Chiêm Thành, bảo đảm an ninh mặt nam.

Các sách tây phương ghi nhận rằng không hiểu vì sao, sau năm 1639 thì cuộc giao thương giữa Chiêm Thành và người Bồ Đào Nha không còn được nghe nói đến nữa.(11) Phải chăng việc nầy là hậu quả của chuyện công chúa Ngọc Khoa sang làm hoàng hậu Chiêm Thành tám năm trước đó (1631)?

Sử sách không ghi lại là bà Ngọc Khoa đã làm những gì ở triều đình Chiêm Thành, chỉ biết rằng truyền thuyết cũng như tục ngữ Chiêm Thành đều có ý trách cứ, nếu không muốn nói là phẫn nộ, cho rằng bà Ngọc Khoa đã làm cho vua Pô Ro mê trở nên mê muội và khiến cho nước Chiêm sụp đổ.

Trong sách Dân tộc Chàm lược sử, hai ông Dohamide và Dorohiem cho biết theo lời của một vị "Pô Thea", người phụ trách giữ tháp Pô Ro mê, kể cho tác giả E. Aymonier câu chuyện rằng vua Pô Ro mê có ba vợ. Bà vợ đầu là Bia Thanh Chih, con của vị vua tiền nhiệm đã truyền ngôi cho Pô Ro mê. Bà nầy không có con. Pô Ro mê cưới người vợ thứ nhì là một cô gái gốc Ra đê, tên là Bia Thanh Chanh. Bà nầy sinh được một công chúa, sau gả cho hoàng thân Phik Chơk. Hoàng thân Phik Chơk lại "liên kết với vua Yuôn [chỉ người Việt] và cho triều đình Huế rõ nhược điểm trong tâm tánh của Pô Ro mê: sự yếu đuối trước sắc đẹp mỹ nhân. Vua Yuôn đã cho một công chúa thật đẹp giả dạng làm khách thương sang nước Chàm. Do sự sắp xếp khéo léo, tin tức về nữ khách thương duyên dáng ngoại bang nầy đến tai Pô Ro mê, nên Pô Ro mê đã cho dời đến và khi vừa thấy mặt thì đã phải lòng ngay. Người Chàm gọi vị công chúa Yuôn nầy là Bia Ut hay Nữ Hoàng Ut cũng thế. (12)

Theo truyền thuyết Chiêm Thành, bà Ngọc Khoa hay Bia Ut đã dùng sắc đẹp mê hoặc Pô Ro mê, khiến ông chặt bỏ cây "kraik", biểu tượng thiêng liêng của vương quốc Chiêm Thành, vì vậy sau đó vương quốc nầy sụp đổ.(13) Dân chúng Chàm thường truyền tụng câu đố: "Ô hay ngài linh thiêng, rước vợ từ kinh, lim ngài mất ứng."(Sanak jak po ginrơh patrai, tok kamei Ywơn mưrai kraik po lihik ginrơh). Ngoài ra, người Chàm còn dùng tên bà Bia Ut trong một câu thành ngữ để mỉa mai những phụ nữ béo mập: "Béo như bà Ut " (Limuk you Bia Ut).(14)

Ngoài việc thần linh hóa câu chuyện, truyền thuyết trên đây đã phản ảnh một phần sự thật lịch sử, đó là nước Chiêm Thành, một lần nữa suy yếu hẳn đi sau cuộc hôn nhân Việt Chiêm năm 1631, nhờ đó, người Việt nhanh chóng vượt qua Chiêm Thành, xuống đồng bằng sông Cửu Long.

Như thế, hai công chúa Ngọc Khoa và Ngọc Vạn, tuy không chính thức đem lại đất đai về cho đất nước như công chúa Huyền Trân, nhưng cả hai đều đã mở đường cho cuộc Nam tiến, và quả thật khoảng một thế kỷ sau đó, chúa Nguyễn đã mở rộng biên cương về phía nam như địa hình nước Việt ngày nay.

Trong lịch sử, những chiến công oanh liệt để bảo vệ đất nước và mở nước ở dạng bùng nổ luôn luôn được ghi nhận đầy đủ, nhưng những cuộc mở nước âm thầm như việc làm của các bậc nữ lưu trên đây ít được chú ý đến. Thi sĩ Pierre Corneille (Pháp, 1606-1684), trong kịch phẩm cổ điển Le Cid, đã viết: „A vaincre sans péril, on triomphe sans gloire“ (Chiến thắng không gian nguy thì khải hoàn không vinh dự). Tuy nhiên những cuộc mở nước êm đềm, không tốn xương máu của dân tộc, thì chỉ có những bậc nữ lưu can đảm và anh hùng như trên mới có thể thực hiện.