Một cây tre bương to, dài 5m, phạt hết cành, đánh sạch mấu, chôn gốc sâu vào bờ, lèn chặt, để thân cây tre nhô ra ao, nằm trên mặt nước một hai gang tay. Gần đầu ngọn tre cắm một cây cọc, trên buộc một quả pháo.

Người dự thi nam nữ đều được, ăn mặc gọn gàng, thắt lưng buông múi, tay cầm một nén hương cháy.

Nghe trống hiệu, người dự thi từ bờ bước xuống cầu tre đi dần ra phía ngọn ở giữa ao. Cây tre tròn, bập bềnh, càng đi ra xa càng bị chìm xuống dưới mặt nước, thân tre tròn, trơn nước dễ ngã. Có ngã cũng phải cố giơ cao nén hương để không bị tắt mới có thể lội vào bờ đi lại.

Ra đến múp đầu cây tre, người đã ngập nước đến đầu gối, phải dang tay giữ thăng bằng, một tay níu lấy chiếc cọc, một tay châm ngòi pháo. Có khi đi được đến đích không sao, khi châm pháo nổ, lại giật mình ngã tòm xuống nước. Tuy bị ướt hết, nhưng vẫn đoạt giải, có điều nếu ai châm pháo xong, người vẫn khô được giải cao hơn.

Đó là trò “đi cầu tre đốt pháo” ở hội làng Bồ Đề (Gia Lâm).

Còn ở vùng Bưởi, nhiều làng giấy cũng có trò đi cầu tre gọi là “Đi cầu mai”.

Cách làm cầu có khác. Đóng ba cọc tre ở giữa ao đầy nước, một cọc ở bên bờ. Cột một cây tre bương to nối hai điểm cọc. Ngọn tre cột chặt vào ba cọc giữa ao. Gốc tre trong bờ buộc lỏng lẻo để cây tre có thể xoay đảo được. Đầu ba chiếc cọc giữa ao có treo các gói giải thưởng phong kín.

Cây tre đặt cách mặt nước khoảng 1m để khi người thi ra đến giữa, cây tre võng xuống cũng không chặm mặt nước.

Chân người dự thi đi đất, tre tươi dính bùn, trơn, lại lúc lắc một đầu rất khó đi. Mất thăng bằng là ngã tòm xuống ao, ướt như chuột lột. Người xem reo hò cổ vũ rất vui. Người ngã được lội vào bờ đi lại. Ngã nhiều quá, nản thì thôi.

Khi có ba người ra đến đầu ngọn tre giật được ba gói giải thì mãn cuộc.