Hình thức 1:

Chôn hai chiếc cọc tre to bằng cổ tay, thò lên mặt đất khoảng hai - ba gang.

Chọn lấy 12 hòn đá cuội có dáng bẹt, hai người chơi một lần, mỗi người nhận 6 hòn cuội.

Vạch đứng ném cách xa cọc năm bảy bước. Từng người ném vào cọc của mình, ai ném lia hòn đá đúng cọc nhiều hơn, là thắng. Người thua bị loại cho người khác vào thay.

Hết lượt, người nào có số lần ném trúng cọc nhiều là đoạt giải nhất, nhì, ba.

Hình thức 2:

Một cách chơi khác chỉ trồng một cọc tre cao ngang ngực, người chơi đứng xa khoảng 10m, cứ một tốp chơi hai ba người, mỗi người có một hòn cái bằng đá bẹt tung vào chân cọc, ai ở sát chân cọc nhất là được vào chung khảo, đấu lần sau với người nhất của các nhóm khác. Cái khó là thả khéo, để cái không va vào cọc văng ra xa.

Hình thức 3:

Đáo cọc còn gọi là đáo chặt ở vùng Cổ Loa lại khác. Cọc được quấn chặt bằng vải hoặc nhồi chặt bông, cắm vào chiếc bình gốm loe miệng, để thò đầu cọc lên chừng gang tay. Trên đầu cọc vải đặt một đồng tiền đồng hoặc kẽm.

Người chơi dùng thanh tre dài hai gang vót bẹt như chiếc đũa cả chặt vào đầu cọc, làm sao cho đồng tiền rơi vào trong bình là được.

Cọc vải khác cọc tre, độ rung mỗi lần chặt một khác. Chặt nhẹ thì đồng tiền không rơi, chặt mạnh lại văng ra ngoài miệng bình.