Từ lâu đời, các làng hai bên bờ sông Đuống đều có chơi đánh đu trong ngày hội làng, ngày Tết như Dương Xá, Kim Sơn, Ninh Hiệp, Yên Thường, Đông Dư...

ở huyện Đông Anh có Cổ Loa, Dục Tú, Liên Hà, Nam Hồng... Thanh Trì có Thanh Liệt, Tứ Hiệp, Vạn Phúc, Vĩnh Quỳnh... Từ Liêm có Tây Tựu, Dịch Vọng, Mễ Trì...

"Khen ai khéo dựng đu này
Để cho trai gái chơi ngày chơi đêm"

Ca dao cổ đã ca ngợi trò đánh đu như vậy. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương từng miêu tả:

"Trai đu gối hạc, khom khom cật
Gái uốn lưng ong, ngửa ngửa lòng"...

là nói về thứ đánh đu bay này!

Đánh đu phải từng cặp nam nữ, người dún kẻ dừng, thay nhau đưa dần cho cần đu dần lên bổng, tới lúc ngang cần, hai người như đè lên nhau, áo khăn quấn quít vào nhau, mới chịu ôm cần đu để cho đu hạ dần, tới lúc chậm lại đã có người bắt đu dừng hẳn cho đôi khác lên thay.

Cây đu trồng bằng 6 hoặc 8 cây tre theo thế chân kiềng, chụm đầu vào nhau, câu kết bằng xà đu. Từ xà đu có hai cái gông nối với tay đu hoặc cần đu để tạo khớp cần thiết cho đu chỉ lên tới mức độ nào đó, không cao quá nguy hiểm. Tay đu phải chọn tre đực, bánh tẻ, vừa tầm tay nắm, không có đốt kiến, đảm bảo an toàn cho người lên đu. Trồng cây đu xong, phải được già làng có kinh nghiệm kiểm tra cẩn thận, làm lễ, rồi lên khai đu, nổi trống gọi người xem hội tụ.

Nơi trồng cây đu phải thoáng đãng, rộng, không gần cây cối, có chỗ đứng xa cho nhiều người xem.

Giải thưởng thi đu được gói buộc vào đầu cành tre nhỏ như cần câu dài, đặt ngang tầm với đỉnh cột đu. Khi người dún đu đưa cần ngang với đỉnh cột thì đưa một tay giật giải. Nếu để giải rơi xuống đất là mất.

Đu là môn thể thao không chỉ đòi hỏi sức khỏe dẻo dai, mà còn phải có thần kinh vững vàng, không chóng mặt, hoa mắt, nôn mửa lúc đu đã lên cao.

Cây đu đã thành nơi hò hẹn của lứa đôi khi vào hội xuân, để được cùng bạn tình

"Dún mình như thể dún đu

Càng dún càng dẻo, càng đu càng mềm".