Câu ca dao:
Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng
Về sông ăn cá, về đồng ăn cua...

cho thấy ăn còng là sự bất đắc dĩ, xót cho thân phận một người con gái bị đưa đẩy lấy phải tấm chồng ở cái miệt biển có rẫy, đâu như Gò Công...


Thật vậy, theo cuốn Phong tục miền Nam qua ca dao của ông Đoàn Văn Hội dẫn chứng và qua những chữ dùng, cho chúng ta biết được câu ca dao này xuất xứ ở miền Nam. Hơn nữa, còng còn là nguồn thu nhập phụ một thời của người dân Gò Công. Ở các xã Đồng Sơn, Bình Phú... huyện Gò Công Tây gặp Sông Tra, xã Bình Đông, Bình Xuân, huyện Gò Công Đông ven sông Soài, cùng hai xã cù lao Phú Đông, Phú Tân... người dân có thu nhập phụ nhờ việc bắt còng. Gặt lúa xong, còng bâu kín chân rạ, tha hồ mà quơ bắt. Còng rang ăn với bần chua xắt lát chấm nước mắm tỏi ớt hoặc lăn chiên giòn hay nấu canh chua lá me non chấm mắm ruốc... cũng đủ ấm cúng bữa cơm gia đình… Người con gái về rẫy thì chỉ có còng, không bằng về bưng có cá, về đồng có cua… Ấy là cô thất chí chớ còng cũng làm nên lắm món ngon…

Còng miền Trung

Nhưng ở miền Trung, còng là một thứ giáp xác sống ở trong những cái hang do chúng đào sâu ở bãi biển, thường chạy rất nhanh khi lên khỏi hang, nên có nơi còn gọi là còng gió.

Món ăn có ngon hay không còn do cái hoàn cảnh. Với thiếu phụ mà gió đưa gió đẩy để ăn còng, có lẽ nó không ngon.

Hồi chúng tôi còn học trung học ở một trường nội trú sát bờ biển Nha Trang, thường dành một ít thời gian trong giờ ra chơi để rượt bắt lũ còng. Phải biết mánh. Chỉ rượt chúng chạy xuống nước là dễ bắt nhất. Chứ chúng chạy xuống hang thì coi như thua.

Chúng tôi lúc ấy có biết đâu còng là lũ vật rất thích lửa. Trời sập tối, chỉ cần đốt một đống lửa lên ở bãi biển là lũ còng từ khắp nơi nhào vào lửa, và có đủ còng để đi qua bữa nhậu tại chỗ… Chiều chiều chúng tôi phải bắt lũ còng này là vì chúng trở thành món ngon cho cái bao tử của tụi nhỏ háu đói phải ngồi từ 17g30 đến 18g45 để làm bài tập "về nhà". Chú còng bị bẻ hết tám chân chỉ để lại hai cái càng. Thời đó cũng là thời kỳ thiếu điện, nên nhà trường cho phép học sinh được thắp đèn cầy để trợ thêm ánh sáng của những chiếc đèn bóng tròn vàng vọt, đã kéo xuống thật thấp mà chỉ có nóng chớ không thấy sáng. Thời đó cũng là thời loại bút bấm ống mực bằng đồng còn thông dụng. Những ống mực đồng xài hết mực, được bẻ bỏ khúc đầu ngay chỗ ngấn giẹp để giữ lò xo; chỗ giẹp ấy được đập giẹp thêm một chút. Chú còng được để phía trước ngọn nến và được nấu chín bằng ngọn lửa xanh do những cái miệng bé bé thổi hơi qua ống đồng có đầu giẹp quay về phía con vật. Bọn tôi gọi quá trình chế biến ấy là "hàn xì". Da còng từ từ đỏ lên dưới ngọn lửa xanh, và mùi thơm của vỏ giáp xác bị cháy lan toả khắp phòng học. Khốn khổ cho những anh chàng không có còng để mà hàn xì với người ta.

Miếng thịt còng lúc đó phải kể là ngon cực. Miếng khi đói - ai cũng biết nếu có ngon thì phần chủ quan rất lớn, chứ không phải như miếng còng của người phụ nữ phải ăn vì gió đưa gió đẩy nàng về rẫy, nơi cái nghèo, cái khó bám chắc lấy con người cộng với cái cô quạnh, xa chốn kinh kỳ, kẻ chợ, chốn làng xóm yên vui thuở còn con gái.

Nhất mắm còng

Nhưng trong cái khó ấy, người Gò Công đã sáng chế ra một món còng thời trân. Chẳng biết đức bà Từ Dũ khẩu vị ra sao khi quy định món mắm tôm chà xứ Gò Công lên thành món hàng năm phải đem về kinh đô. Chứ món ấy không thể vượt qua được món mắm còng Gò Công. Hay có khi tại nhà đức bà, còng không lọt vào trong thực đơn của nhà quyền quý dòng Phạm Đăng?

Mắm còng có cái vị rất riêng của nó. Và tôi mới chỉ biết đến món này nhân một người bạn dân xứ Gò Công mua về mời ăn thử. Ăn mắm tôm chà rồi ăn mắm còng, mới thấy được mắm tôm có sắc nhưng thiếu hương, còn mắm còng tuy sắc có giống nữ hoàng Xiba xứ châu Phi, tuy có nâu đen, nhưng hương lại rất thắm rất đượm (vị nữ hoàng này có thời làm ngẩn ngơ vua Salomon xứ Do Thái). Bạn hãy cuốn bánh tráng cá nục hấp đem chấm với mắm còng xem có hơn hẳn mắm tôm chà không!