Phong tục lễ tết Á Đông, trong đó có Việt Nam và Trung Hoa, thường gắn liền với quan niệm coi trọng sự tuần hoàn của thời tiết trong năm. Trên đại thể có thể chia thành hai tiểu hệ: (1) các lễ tết gắn với chu kỳ của Trăng, bao gồm Thượng nguyên 15/1, Trung nguyên 15/7, Hạ nguyên 15/10 và Trung thu 15/8; và (2) các lễ tết gắn với các ngày tháng có thành tố lẻ, gồm tết Xuân (1/1), tết Hàn thực (3/3)([1]), tết Đoan ngọ (5/5), tết Ngâu (7/7), tết Trùng cửu (9/9). Ngoài ra, vùng Hoa Bắc có thêm hai ngày tết gắn với các ngày tháng có thành tố chẵn tuy không quan trọng, là Tết Đầu rồng (2/2, 龙头节 Long đầu tiết), Tết giặc giũ (6/6,洗晒节 Tẩy sái tiết). Về cơ bản, những lễ tết truyền thống Việt Nam và Trung Hoa mang nhiều nét tương đồng, nhất là các đặc trưng mang chung của cả khu vực Á Đông. Nhiều trong số các phong tục lễ tết Việt Nam bắt nguồn từ hoặc có quan hệ mật thiết với văn hóa Trung Hoa, song chúng đã phát triển trên nền tảng của văn hóa canh nông lúa nước Việt Nam, do đó bên cạnh những đặc trưng chung còn thể hiện những đặc điểm đậm chất bản sắc của văn hóa bản địa.

Ca dao Việt Nam có câu “Tháng tư đong dậu nấu chè; Ăn tết Đoan ngọ trở về tháng năm”. Cả người Việt Nam và Trung Hoa đều coi tết Đoan ngọ là cái tết quan trọng thứ hai trong năm, chỉ sau tết Nguyên đán (Trung Hoa gọi là tết Xuân). Người Việt Nam còn gọi tết Đoan ngọ là tết Nửa năm, tết Đoan dương, tết Trùng ngũ v.v., người Trung Hoa lại gọi bằng nhiều tên gọi hơn chẳng hạn Đoan ngũ 端五, Đoan tiết 端节, Ngũ nguyệt ngũ 五月五, Ngọ nguyệt ngọ 午月午, Trùng ngũ 重五, Trùng ngọ 重午, Địa lạp地蜡, Ngũ nguyệt tiết 五月节, Thiên trung tiết 天中介, Long chu tiết 龙舟节, Tung tử tiết 粽子节, Dục lan tiết 浴兰节, Nữ nhi tiết 女儿节, Ngải tiết 艾节v.v., có điều tuyệt nhiên không gọi là tết Nửa năm.

Về từ nguyên, Đoan ngọ có thể hiểu nôm na là “ngày mở đầu chuỗi ngày nóng nhất trong năm”. Đoan (开) nghĩa là bắt đầu (khai đoan). Ngọ (午) chỉ giờ ngọ, tức khoảng thời khắc nóng nhất trong ngày (từ 11 giờ trưa đến 1 giờ chiều). Theo lịch kiến Dần (nông lịch hiện nay), tháng năm là tháng Ngọ (tháng giêng là tháng Dần). “Ngày 5” âm Hán Việt đọc là “ngũ nhật” (五日trong đó “ngũ” (五/wu/) đồng âm với “ngọ” (午/wu/), cho nên Đoan ngọ còn gọi là Đoan ngũ (端五). Như vậy, ngày Đoan ngọ là thời điểm mở đầu những ngày nóng nhất của tháng nóng nhất trong năm (nên gọi tết Đoan dương). Ngày Đoan ngọ rất gần với tiết Hạ chí trong nhị thập tứ tiết khí nông lịch, do vậy tết Đoan ngọ báo hiệu mùa nóng quay về. Ngày trước người Việt Nam xứ kinh kỳ gọi ngày mồng 1 tháng năm là Đoan nhất, mồng 2 là Đoan nhị, cho đến ngày mồng 5 là Đoan ngũ [Toan Ánh 2005: 353].

Tết Đoan ngọ Việt Nam có cùng một khởi nguồn với vùng đất Bách Việt ở Nam Trung Hoa (vào khoảng vùng hạ lưu Dương Tử trở xuống) và Bắc Đông Dương. Từ ngàn xưa đây vốn là vùng nông nghiệp lúa nước trù phú do các dân tộc Bách Việt gầy dựng nên. Do nằm dọc hai bên chí tuyến bắc, mùa hè ở đây oi bức, khó chịu, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người. May mắn, người nông dân với nghề lúa nước luôn đòi hỏi phải quan sát thời tiết, cố để tránh tối đa những tác hại của nó và tận dụng hữu hiệu những lợi thế mà tự nhiên mang lại (xem thêm Trần Ngọc Thêm [2004: 272], nhờ vậy phong tục tết Đoan ngọ hình thành, đánh dấu một cột mốc quan trọng của chu kỳ tuần hoàn thời tiết. Sách Lễ tết Trung Hoa (Chinese Festivals, N.Y. 1952) của W. Eberhard có viết “Đoan ngọ là tết của phương Nam, tết cầu may, tết của sự sống” (Double fifth is a Southern festival, lucky festival or festival of the living” ). Tác giả Trung Hoa tên là Nghê Nông Thủy [2011] cũng khẳng định “Tết Đoan ngọ là cống hiến to lớn của người Bách Việt đối với văn hóa Trung Hoa” [Hội Dân tục học Trung Quốc 2011]. Vì ngày Đoan ngọ mở đầu quãng thời tiết nắng nóng oi bức, dân chúng nhiều người bị bệnh, cho nên dân chúng đã tổ chức cúng vái để cầu được bình yên, tránh các trắc trở do thời tiết gây ra [Toan Ánh 2005: 353].

Thời cổ đại, người Việt Nam dùng lịch kiến Tý, do vậy tháng mở đầu trong năm là tháng 11 âm lịch. Theo cách tính này, ngày 5 tháng năm rơi vào thời điểm nửa năm, do vậy dân gian Việt Nam rất chuộng tên gọi tết Nửa năm.

Đến đầu Công nguyên, Việt Nam tiếp nhận văn hóa Trung Hoa, đặc biệt là dòng văn hóa quan phương gắn liền với hệ tư tưởng Nho gia và hệ thống chữ Hán. Sự du nhập này góp phần hình thành diện mạo văn hóa cổ điển của Việt Nam trong nhiều thời kì lịch sử sau đó. Tết Đoan ngọ được gắn vào khung lý luận chính thống cùng các ý nghĩa, chức năng mang tính quan phương khác, đặc biệt là các quan niệm “tưởng nhớ Khuất Nguyên”, “tưởng nhớ Ngũ Tử Tư”, “tưởng nhớ Trần Luận và Nguyễn Thiệu” v.v. Dù vậy, đại đa số người Việt Nam không biết đến các nhân vật này, và do vậy các hoạt động diễn ra trong ngày tết Đoan ngọ không liên quan đến họ.

Bắt nguồn từ trí tuệ của truyền thống nông nghiệp phương Nam, tết Đoan ngọ được người Trung Hoa phương Bắc tiếp nhận và hưởng ứng, về sau tại nhiều địa phương khác nhau lại gắn vào nhiều điển tích khác nhau từ Ngũ Tử Tư, Việt vương Câu Tiễn, Khuất Nguyên đến Tào Nga, Trần Lâm v.v.([2]) để khoác lên ngày tết này những chức năng xã hội theo phong cách riêng rất Trung Hoa. Tết Đoan ngọ xưa do nhân dân lao động cùng nhau sáng tạo, cùng hưởng thành quả và không ai làm tác giả cụ thể. So với người Trung Quốc, người Việt Nam thiên hẳn về lối sống dân gian, tư duy tổng hợp – trừu tượng và truyền thống văn hóa truyền miệng đã giúp gìn giữ phong tục ngày tết này mà không cần thiết gắn liền với các nhân vật lịch sử. Ngược lại, Trung Quốc lớn, dân số đông, dân tộc đa dạng, việc chính thức hóa một phong tục dân gian bằng thao tác gắn chúng với các nhân vật lịch sử có chức năng tích cực, nhất là trong chức năng đại đoàn kết dân tộc.

  1. Vùng văn hóa Hoa Nam và Bắc Đông Dương từng có tết Ca hát (tết Lồng tồng, Tam nguyệt tam), sau chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa nên chuyển thành tết Hàn thực.
  2. người Trung Hoa gắn nguồn gốc tết Đoan ngọ với nhiều nhân vật lịch sử như Câu Tiễn người nước Việt, Ngũ Tử Tư người nước Sở về đầu quân nước Ngô, Khuất Nguyên người nước Sở, Tào Nga người gốc Việt vùng Dương Tử, Trần Lâm người vùng Quảng Tây v.v.. Còn quá sớm để nói Sở - Việt đồng nguyên, song Cảnh Sở vẫn là cư dân sông nước phương Nam. Tương tự như vậy, tết Đoan ngọ ở Trung Hoa được tổ chức đặc biệt long trọng ở vùng sông nước Dương Tử và Hoa Nam, ứng với vùng văn hóa Bách Việt cổ.