Những phố phường cổ kính còn vương lại trong vài dáng hình kiến trúc một nếp sống xa xa của mảnh đất Rồng bay… Những phố phường tiêu biểu cho diện mạo Hà Nội ngày nào… Khu vực “gây ấn tượng” nhiều nhất với người trong, người ngoài Hà Nội… Điểm dân cư luôn tấp nập, đông vui, rộn ràng chảy ngược Đồng Xuân, chảy xuôi Bờ Hồ, phố Huế…

Congdongviet net -200502-121240.PNG

Hàng Bạc của tôi, của chúng ta, phải chăng ngày nào là “đất thánh” của những nhà giàu Hà Nội? Của những cô tiểu thư ăn uống tỉa tót (người ta bảo: con gái Hàng Bạc trong bữa ăn gảy từng cọng giá), nơi ngự trị của quan niệm “phi cao đẳng bất thành phu phụ”, ăn sâu trong nếp nghĩ cũng như những nếp nhà Hàng Bạc hẹp lòng mà thăm thẳm, như chìm sâu dưới bề mặt đường phố? Hay là Hàng Bạc của những thợ vàng Định Công chuyên đậu đồ vàng, thợ bạc Đồng Sâm chuyên chạm đồ bạc?

Định Công, tức Định Công thượng, mạn Thanh Trì, đất của ớt cay ngon nổi tiếng Hà thành, đất của nghề kim hoàn phấn phát từ thời tiền Lý (thế kỷ VI) với ba ông tổ sư họ Trần, đất của những chàng trai khéo tán, mời chào của những cô nàng nghiêng nón:

Làng anh có thợ kim hoàn

Để anh đánh nhẫn cho nàng đeo tay…

Đồng Sâm của đất Thái Bình, quê hương của vợ Triệu Đà - một huyền tích về một ông vua có thực từ trước Công nguyên vài trăm năm, hay sự thật về một cái làng miền biển của những người thợ bạc phương Bắc di cư, tụ hội và Việt hoá đến mức sâu xa khiến chứng cứ lịch sử chỉ còn le lói qua huyền tích? Đồng Sâm, quê hương của những người thợ bạc đi rong hay tụ hội trong các thị trấn, ở tỉnh Nam, ở Hà Nội, đánh khuyên, nhẫn, xà tích, quả đào, ống vôi, chóp nón, vòng kiềng cho bà xã, cô cai, thầy lý… cho cả dân mạn ngược về mua.

Những bà con Định Công, Đồng Sâm đó ra Hàng Bạc hành nghề từ bao giờ? Có người lập luận: Định Công có nghề kim hoàn từ thời tiền Lý, lại gần cận kinh thành, hẳn đã ra Hàng Bạc từ sớm. Mới nghe, chừng như có lý…

Nhưng tôi còn lấy làm ngờ…

Tôi đi hỏi các nhà sử học, hỏi các cụ người Hàng Bạc gốc. Và được biết đất Hàng Bạc trước là thuộc thôn dũng Thọ, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội. Những địa danh thời Nguyễn, đúng thế. Đất tổng Đông Thọ hay còn gọi là tổng Hữu Túc. Đình Dũng Thọ hiện là ngôi nhà 24 Hàng Bạc. Sách Phương đình dư địa chí của cụ Nguyễn Văn Siêu còn ghi là phường Đông Các. Với cái tên đó, ta ngược đến đời Lê. Sách Vũ trung tuỳ bút của Phạm Đình Hổ chép rằng, sau khi Hoa kiều phường Hà Khẩu (Hàng Buồm) được phép vua Lê chúa Trịnh tải đá kè đê sông Cái ở mé trên thì nạn nước xói lở bớt đi. “Ven sông về phía Nam dần dần nổi bãi phù sa mãi ra, người đến tụ họp đông đúc. Bởi thế những phường Thái Cực (Hàng Đào), Đông Hà (Hàng Gai), Đông Các (Hàng Bạc) nhà ở hai dãy phố xen liền mãi cho đến vạn Hàng Mắm (phố kéo dài của Hàng Bạc ra bờ sông), vạn Hàng Bè, bến Tây Long (khoảng Nhà hát Lớn - Tràng Tiền) và đều thành ra phố phường đô hội cả”.

Sách Đăng khoa lục có chép tên ông Nguyễn Quang Lộc, đậu tiến sĩ khoa Bính Tuất đời Lê Thánh Tông (1466) là người phường Đông Các. Ít ra thì được biết đến đầu thời Lê!

Nhưng dân phường Đông Các thời đầu Lê làm nghề gì, ở đâu thì sử không hề chép.

Chỉ đến cuối đời Lê, vẫn theo Vũ trung tuỳ bút, khi Chiêu Hổ chép về nạn lừa đảo trộm cắp ở Thăng Long thì ta biết rõ phường Đông Các thời đầu Lê là nơi đổi chác, mua bán bạc nén.

Thì nghề đúc bạc nén và đổi bạc - tiền lại có liên quan đến một thành phân cư dân đông đảo khác của phố Hàng Bạc, ngoài số ít ỏi dân Định Công, Đồng Sâm. Đó là dân Trâu Khê ở mạn Bình Giang, tỉnh Hải Hưng ngày nay.

Nói cho đúng, dân Hàng Bạc mới từ nghề đúc bạc, đổi bạc dồn dập chuyển sang hành nghề làm đồ nữ trang kim hoàn từ sáu, bảy chục năm nay. Trước đó thì chưa. Cho đến buổi đầu thời thuộc Pháp, cuối thế kỷ XIX, dân ta tiêu tiền quan, tiền trinh, tiền kẽm, bạc vụn, bạc nén. Phố phường Đông Các có nhiều nhà mở cửa hàng để đổi tiền - bạc cho dân chúng tiêu pha hay đi buôn bán gần xa cho thuận tiện. Vì thế thời thuộc Pháp, Hàng Bạc còn đeo biển phố “Rue des changeurs” (phố của những người đổi tiền).

Gọi là cửa hàng, thực ra ban đầu cũng giản dị thôi, đâu phải đã lấp lánh kính gương, lóng lánh điện đèn như ngày sau. Một cái phản bày trước cửa nhà, vậy thôi!

Dân cư đa số là dân Trâu Khê, lác đác có mấy gia đình Định Công làm nghề đậu hoa tai và khuy áo.

Trâu Khê, làng của năm giáp, gồm giáp Nhất, giáp Nhì (hai giáp Đông An), giáp Đông, giáp Tây Xuyên và giáp Trung, của các họ Chu (Châu), Phạm, Đỗ, Hoàng, Nguyễn, Vũ…, gốc tích có thể ngược lên cuối thời Trần. Tấm bia đá ghi bút tích Đại Tư đồ Trần Nguyên Đán (ông ngoại Nguyễn Trãi) cho biết khoảng niên hiệu Xương Phù (1377- 1388), có Châu công Tung Trịnh thống lĩnh quân Tam sương cấm binh họp dân lập làng (thôn) dần dà đông đúc, sau mới gọi là Châu Xá. Sau nhân đinh ngày càng nhiều, mới biệt lập làm một xã, gọi là Châu Khê, thời Lê mạt viết lầm là Trâu Khê.

Nghe đâu khoảng cuối thời Lê, vỡ đê, đói kém, đất Trâu Khê lại là bạc điền, nên dần dà tới nửa làng ra làm ăn ở kinh đô, tại phường Đông Các. Cho đến thời Tây dễ đã có đến 300 suất đinh Trâu Khê đóng thẻ thuế thân ra ngoài Hà Nội. Ra phố phường làm ăn, nhưng vẫn giữ “đất lề quê thói”, sống gửi thân phố phường, thác thì về mồ mả cũng đem về quê Trâu Khê. Tết nhất, đình đám, dân Trâu Khê Hàng Bạc vẫn cử người về quê, lễ vật chu tất. Xa thì còn đóng sưu, nộp thuế ở quê nữa kia. Sau làm ăn phát đạt lên, trong sáu bảy chục năm, tậu được hơn bốn chục mẫu ruộng cúng dân, nuôi lính. Thì do đó cũng khỏi phải gánh chịu phu phen tạp dịch ở làng.

Ra ở phố phường, nhưng nhà cửa, xóm giềng… vẫn giữ mô hình ứng xử như ở nhà quê: vẫn tổ chức theo năm giáp như chốn quê nhà. Rồi thì dân con đâu, thành hoàng đấy; dân Trâu Khê phố phường cũng như các phường phố khác đều lập vọng từ và đình, rước bài vị thành hoàng quê mình ra kinh thành để thần bảo vệ dân. Hàng Bạc có hai đình của hai “chợ” (thị), đều dựng từ thời Gia Long: đình Trên, nay là số nhà 50 (làm năm Gia Long thứ 13 - 1815), đình Dưới, hay đình “hai ông tướng”, nay là số nhà 42 (làm năm Gia Long thứ 18 - 1819). Có hai đình vì dân chia thành hai “chợ”, nghe đâu vì có xích mích với nhau. Hay cũng chỉ là xạ ảnh của tổ chức lưỡng hợp tự ngày xưa? Đình thờ Hoàng đế Hiên viên thị, vua ngoại lai. Thế còn đền thờ thần làng? Phố đã chật, dân than vãn:

Một vua hai miếu, thành hoàng ngẩn ngơ!

Sau triều đình mãi cuối thế kỷ XIX mới mua lại với giá 120 đồng cái đền nội miếu ở phố Hàng Giày, vốn hướng Nam, tu tạo lại, xoay hướng Đông. Bây giờ cổng đền đã ghi biển “Trâu Khê vọng từ”. Đền ở Hàng Giày, nhưng của dân Hàng Bạc.

Từ triều Gia Long, trong phố có một vị Ty quan để quản lý bạc, thu bạc vụn của tỉnh trao, giao lại cho tràng truyện đúc thành bạc tốt, từng “nén” đủ 10 lạng và 10 tuổi. Hễ khi tỉnh đến nhận, sẽ trao trả lại, đặng đưa về kinh nhập vào công khố. Hàng tràng lấy chỗ hai đình làm nơi xem duyệt sổ sách hằng năm. Trong đình có một hòm gỗ đựng bạc tiền có bốn khoá, cử bốn người, mỗi người giữ một khoá.

Việc đúc bạc nén có thể phân làm hai khâu, hai đợt. Khâu đầu, đợt 1, trong nghề gọi là truyên bạc.

Trước hết, lấy vôi bột đã để cho thật hả, gạch non giã nhỏ và gio bếp (gio củi, hay gio vỏ bưởi thì tốt vì nhẹ, xốp), tất cả đem rây cho thật nhỏ, nhào với nước, nặn thành hình cái chảo. Đó là đồ nấu bạc. Còn như dụng cụ thì có bễ, vài cái que sắt, mấy cái kìm dài cán, nhành chặt, dao chặt…

Cho bạc vụn, hoặc còn lẫn các loài kim khí khác vào chảo, kéo bễ đốt lò mà nấu. Nấu bằng than củi, xưa gọi là than tàu, không dùng than đá. Để đỡ tốn, bạc bắt đầu chảy ra rồi mới dùng củi.

Bạc chảy rồi thì cho chì vào. Phải liệu bạc mà cho chì. Cho ít chì quá, bạc không đủ tuổi. Cho nhiều chì quá sẽ hao bạc, nhà nghề gọi là đì bạc. Bạc vụn, mà xem ra chừng 7 tuổi, thì cho chừng năm lạng chì trong một nén. Chì chảy, quyện các tạp chất khác, để bạc đủ tuổi 10…

Nấu bạc, cần nhìn váng và sao. Váng là cái màng màu xam xám như bọt cơm. Sao lại là bọt lửa, chạy đi chạy lại. Bạc gần được, sao váng ít dần đi. Sao váng hết thì bạc cũng được.

Để nguội, dỡ ra lấy bạc tốt, còn lại những cặn bã, xi đọng ở chảo vôi gio, nhà nghề gọi là đì bạc. Dân Kẻ Sặt Từ Sơn ngày trước sang phố Hàng Bạc mua đì về tán nhỏ, làm rút đồng, chì, bạc…

Bạc tốt đem về chặt thành từng miếng, cân lên mười lạng một, tức là một nén.

Khâu thứ hai là khâu đúc bạc.

Nồi nấu nặn bằng đất thó trộn với gio, trấu, phơi hoặc nung thật khô. Những miếng bạc chặt cân đủ nén, cho vào nồi nấu. Nấu bạc phải cho vào một ít hàn the. Hàn the, khoa học gọi là Bô rát nát ri (Bo3Na2) làm cho bạc chóng chảy và láng mặt. Hàn the bám vào vách nồi thành chai.

Bạc chảy loãng sẽ đem đổ khuôn.

Khuôn đúc bạc nén, nhà nghề gọi là thão. Thão bằng sắt, có chuôi bằng gỗ. Trước khi đổ bạc, phải bỏ thão cho rõ thật nóng. Than gỗ thông tán nhỏ xoa vào thão, rồi thoa ít dầu ta - dầu cây thầu dầu, dầu thắp đèn ngày xưa, để cho bạc khỏi dính vào thão.

Bạc đã đổ khuôn xong, nén bạc còn nóng đỏ, phải lấy ra sửa sang ngay cho đẹp nén bạc. Dùng búa nhỏ gõ cho vuông vắn. Trao thão có nổi chỉ, giữa hơi lõm. Nén bạc vì thế có vấu ở dưới và có đủ thành chỉ. Sửa sang xong, đóng dấu có hai chữ “Thập túc” (đủ 10) vào thành nén bạc.