Chả rươi

Từ Dữ liệu văn hóa Việt Nam
Buớc tưới chuyển hướng Bước tới tìm kiếm

Con gì bé tí tì ti Mình đi dưới đất, bóng đi trên trời Một năm mấy bận đi chơi Đi thời lở đất long trời mới yên?

Những ngày mưa rây, lành lạnh, mà trời sụp tối thật nhanh, cứ thấy những người gánh hàng rong bước chân đi như chạy, cứ nghe tiếng rao đặc giọng miền biển “Ài mua rưới rà mua” là… rươi đấy.

Vốn dĩ rươi không có hộ khẩu Hà Nội, họ hàng nhà rươi sống dưới đất, nơi những thửa ruộng vùng ven biển Bắc Bộ. Năm vài ngày, chúng ngoi lên mặt ruộng mà dân gian gọi là nứt lỗ rươi, để thoả sức sống cuộc đời tình ái. Nào ngờ bị người ta dùng cái xăm (một dạng vợt) xúc tuốt tuột cả đàn. Âu cũng là cạm bẫy ái tình. Nhìn bầu đoàn thê tử rươi mà kinh: con trắng nhờ nhờ, con hồng nhàn nhạt, con xám, con đen lẫn lộn quấn quýt trong cái thúng đậy vỉ buồm. Rươi phải ăn lúc còn tươi nguây nguẩy, nên người bán rươi đi mà như chạy, hai quang thúng kéo cao gần đòn gánh chứ không buông chùng lẳng lơ như quang gánh chứa những thứ thơm thảo ví như cốm chẳng hạn.

Ngày xưa, các bậc tiền nhân vốn nhiêu khê nên bày ra bao nhiêu cách thưởng thức con rươi: nào xào củ niễng, nào mắm rươi, rươi khô, rươi tươi đủ cả. Bây giờ thì chỉ còn chả rươi là mang tính đại chúng cao nhất. Rươi rửa cho sạch bằng nước nóng già cho hết nhớt, đánh với trứng thêm tí thịt nạc băm và nhất quyết không được quên vỏ quýt, hành hoa, thìa là. Ông Trời vốn rộng lượng nên cho quýt chín trùng với ngày có rươi. Thế mới hay, món quà của đất trời, của quê nhà không dễ gì mà quên được.