Làng Cầu (xã Thạch Bàn, Gia Lâm) có tục mổ lợn tế thần và chia cho dân làng khi vào đám. Hàng giáp phân công mỗi xóm nuôi một lợn cúng thần. Chúng được nuôi vỗ béo, lại là lợn đực giống chạy rất nhanh, khỏe. Đến ngày làm lễ, lợn được tắm rửa sạch sẽ, rồi đem bốn con thả vào sân đình có rào tre xung quanh.

Trai làng dự trò chơi đuổi lợn, luân phiên nhau từng người một, sau khi làm lễ thần, mở rào vào trong sân đuổi bắt lợn trong tiếng trống cái thúc ngũ liên và người xem reo hò quanh rào. Lợn nghe trống và tiếng reo hoảng sợ chạy nháo nhào trong sân rộng, đuổi theo nó đã khó lại phải làm sao tóm được thật nhanh hai chân sau để vật ngửa lợn ra mà trói lại. Cho nên phải có mưu mẹo, lừa miếng, cho đỡ tốn sức.

Ai đuổi mãi không bắt được lợn, mệt đứt hơi đành phải nhường phiên cho người khác.

Cuộc thi cứ thế kéo dài cho đến lúc có bốn trai làng bắt được đủ bốn con lợn mới thôi. Cho nên, đã có năm, đến tận đêm mới bắt hết lợn.

Bốn trai làng bắt được lợn vừa đoạt giải thưởng, vừa được vinh dự ngồi ăn cỗ làng ở chiếu nhất.