Áo bà ba (Bắc bộ gọi Áo cánh)(hán tự衫,sam) là một loại trang phục phổ biến ở miền quê Nam bộ Việt Nam.Đây là một loại áo ngắn, dài tay, cổ tròn(che xương quai), cài bằng 5 khuy từ cổ thẳng xuống bụng.

Cho đến nay, chưa có tài liệu nào nói rõ áo bà ba xuất hiện ở thời điểm nào. Có một số giả thiết:

Áo bà ba xuất hiện đầu tiên ở Nam Bộ vào thời Nhà Hậu Lê, ảnh hưởng từ trang phục người Chăm. Áo bà ba xuất hiện vào nửa đầu thế kỷ 19, được Trương Vĩnh Ký cách tân từ áo của người dân đảo Pénang, Malaysia (người Malaysia gốc Hoa) cho phù hợp với người Việt.

“ Áo bà ba được du nhập vào khoảng cuối thế kỷ 19, Bà-ba là người Hoa lai người Mã Lai ở Mã Lai hoặc Singapore. Vải đen được nhập cảng khá tốt, người Nam Bộ thích mặc kiểu áo vải đen của người Bà-ba nên gọi là áo bà ba. Ngày nay, áo bà ba vẫn có thể gợi sự nghiêm túc nếu đừng loè loẹt, cần nhất là thái độ của người mặc. ” — Sơn Nam (nhà văn)

Áo bà ba có nét giống cái "áo đàn ông cổ tròn và cửa ống tay hẹp" mà Lê Quý Đôn đã quy định cho dân từ Thuận Quảng trở vào ở cuối thế kỷ 18.[cần dẫn nguồn] Một quan niệm khác lại cho rằng "Có thể áo bà ba ảnh hưởng, cách tân từ áo lá và áo xá xẩu may bằng vải buồm đen của người Hoa lao động, là kiểu áo cứng, xẻ giữa, cài nút thắt... Phải chăng do thời tiết quanh năm nóng bức, họ bỏ luôn chiếc cổ thấp của áo lá và áo xá xẩu, mang thêm áo quanh chân cổ cho chắc. Áo xẻ giữa thay vì cài nút thắt đã được làm khuy, cài nút nhựa do ảnh hưởng phương Tây".