Những ban mai xuân sớm, bước ra ngõ chợ đã chợt thấy bác bán xôi lúa. Bác khoan thai mở chiếc vỉ buồm đậy chõ xôi, một làn khói nhẹ bay lên tỏa mùi xôi thơm ngào ngạt thật hấp dẫn...

Bác bán hàng lấy đũa xới xôi lúa ra từng chiếc bát con cho khách. Tiếp đó, bác dùng dao hay thanh tre mỏng thoăn thoắt cắt gọt nắm đậu xanh đã được đồ chín thành những miếng, những vụn đậu mỏng phủ lên bề mặt xôi rồi lấy thìa nhỏ múc một ít mỡ nước và lấy thìa rắc một chút hành khô lên xôi. Ta chợt thấy món xôi lúa ngon và ấm áp chừng nào.

Xôi lúa là một món ăn hoàn toàn dân dã, không như các loại xôi khác còn gắn với phong tục thờ cúng, hội hè hay hỏi cưới như xôi lạc, xôi đậu xanh, xôi vò, xôi gấc... Tất nhiên, là xôi nên đầu tiên món ăn này cũng cần có gạo nếp. Nhưng cho đến nay vẫn chưa ai biết vì sao lại gọi là "xôi lúa" vì nguyên liệu thứ hai của loại xôi này không phải là lúa gạo mà lại là ngô nếp non. Cạnh đó, còn có đậu xanh, mỡ nước, hành khô, mắm, muối.

Để tạo ra món xôi lúa, người chế biến cần chọn loại gạo nếp ngon, mẩy, trắng, đều hạt đem vo sạch, để ráo nước. Ngô nếp non cũng vo, đãi sạch rồi "cho qua ba lửa" nghĩa là ba lần đun nấu. Lần thứ nhất cho ngô vào nước lã có pha nước vôi trong rồi đun, khi nào sôi thì đổ ra mặt nong nia để chà xát cho tách hết phần vỏ cứng bên ngoài hạt ngô. Lần thứ hai cho ngô vào nước sạch nấu chín vừa phải, không còn rắn sượng, cũng không nát nhừ. Lần thứ ba cho ngô vào gạo nếp dùng chõ đồ lên thành xôi ngô. Đậu xanh đãi sạch, bỏ vào chõ đồ chín, giã nhuyễn rồi dùng khăn sạch nắm thành từng nắm tròn to bằng quả bưởi con. Hành khô cho vào chảo phi đến khi nào chín thơm nức thì thôi.

Vậy là đã có món xôi lúa. Khi ăn, ngoài mùi xôi lúa ta còn được thưởng thức từ lá sen, sợi rơm vàng sạch sẽ vẻ đặc biệt của hương đồng gió nội mà ở chốn thị thành không dễ có được.