Người Việt Nam xưa chủ yếu hút thuốc lào. Phụ nữ hiếm người hút. Hút thuốc lào phải dùng điếu. Các loại điếu: điếu bát thông dụng trong hầu hết các gia đình; điếu ống dùng trong những gia đình quyền quý; điếu cày phổ biến trong giới lao động. Điếu cày đơn giản nhất: một khúc ống tre dài non nửa mét, khoét lỗ nhỏ để tra nõ điếu gọt bằng gỗ. Hút bằng điếu cày vị thuốc rất đậm. Điếu bát hình tròn như quả bưởi làm bằng sành hay sứ, đặt trong một cái bát bằng gỗ tiện hoặc bằng sứ men trắng có trang trí. Điếu bát có nõ điếu và guốc điếu bằng kim khí hoặc gỗ tiện, xung quanh có nạm những vòng đồng hoặc bạc. Xe điếu là một ống trúc nhỏ, thẳng, hoặc có nhiều đốt, dài khoảng nửa mét. Điếu ống đặc biệt hơn.

Đó là một ống tròn bằng gỗ, hoặc một ống tre bương, cao khoảng 30cm. Gỗ làm điếu phải là gỗ quý (gụ, trắc) khảm xà cừ công phu. Điếu bịt bạc, vách điếu giát bạc, đai và quai điếu làm bằng bạc. Xe điếu là một cành trúc đốt ngắn. Có chiếc dài đến 2m. Người ta đổ nước vào các loại điếu này đến gần nõ điếu để khi hút khói thuốc thấm qua hơi nước giảm bớt độ gắt và giảm lượng nicôtin vào cơ thể, vì thế khi hút có tiếng kêu lọc sọc. Điếu cùng với cơi trầu và bộ đồ trà là đồ dùng tiếp khách của mỗi gia đình. Thành ngữ: Mê như điếu đổ. Tục ngữ: Điếu kêu tốn thuốc (càng làm tốt càng bị lợi dụng).