Xe thổ mộ

Từ Dữ liệu văn hóa Việt Nam
Buớc tưới chuyển hướng Bước tới tìm kiếm

Xe thổ mộ là loại phương tiện đi lại phổ biến ở vùng Sài Gòn-Gia Định của Việt Nam vào những năm 50 của thế kỷ XIX. Đây là một loại xe ngựa (một ngựa kéo) và được bắt nguồn từ kiểu cỗ xe song mã sang trọng của Pháp, sau đó được người dân miền Nam Việt Nam đã chế tác, cải tiến lại cho phù hợp với điều kiện và địa hình của miền quê sông nước, đồng thời kiểu xe cũng chịu ảnh hưởng nhất định từ những chiếc xe ngựa của người Trung Quốc thời cổ. Bình Dương được xem là kinh đô khởi nguồn của dòng xe này.

Hình ảnh chiếc xe ngựa với những tiếng kêu lách cách và cặp bánh gỗ to đã trở nên thân thương, quen thuộc với bao thế hệ người miền Nam. Xe dùng để chở người đi lại trong vùng hay vận chuyển hàng rau cải từ những vùng quê lên Sài Gòn. Mỗi khi có việc đi lại trong vùng, đi mua sắm, thăm viếng, cưới xin, người ta đều chọn phương tiện xe ngựa vì tính tiện lợi của nó. Thời điểm lúc bấy giờ, xe ngựa vừa nhanh chóng, vừa tiện lợi bởi người ta có thể lên xuống bất kỳ chỗ nào. Chiếc xe thổ mộ đã để lại nhiều kỷ niệm đối với người dân Nam Bộ là cũng là một nét văn hoá-lịch sử của vùng đất này

Chưa có khẳng định chính xác xe thổ mộ ra đời lúc nào, nhưng theo nhiều tài liệu ghi chép vào những năm đầu của thế kỉ XIX, khi người Pháp đưa vào Việt Nam những chiếc xe song mã sang trọng do ngựa kéo để phục vụ nhu cầu đi lại... xuất hiện khá nhiều ở Nam Kỳ. Từ đó, người dân Nam Bộ đã tự mày mò chế tạo riêng cho mình một loại xe ngựa mô phỏng theo kiểu xe song mã của người Pháp, nhưng tính năng sử dụng lại ưu việt, giá cả lại bình dân nên rất được người dân Nam Bộ ưa chuộng

Về tên gọi xe thổ mộ và xuất xứ của xe còn nhiều thông tin khác nhau như: Về tên gọi xe thổ mộ được đặt có thể vì cái mui khum giống ngôi mộ (đầu được dùng để chở quan tài ra mộ để chôn). Hoặc thổ mộ là tên gọi trại từ xe thảo mã của Trung Quốc (tiếng Quảng Đông: "xe độc mả") hay thổ mộ là cách gọi tắt nói nhanh của địa danh Thủ Dầu Một… Về xuất xứ của chiếc xe thổ mộ đầu tiên ở Nam Bộ có người cho là ở Sài Gòn nhưng cũng có ý kiến cho rằng xe thổ mộ có ở Bình Dương và điều này đã được khẳng định trong câu vè: "Khô như bánh tráng là chợ Phan Rang, Xe thổ mộ dọc ngang là chợ Thủ Dầu Một, Chẳng lo ngập lụt là chợ Bưng Cầu…". Người Pháp gọi xe bằng tên: boite d' allumettes (xe hộp quẹt).

Những thập niên 40, 50 là giai đoạn phát triển mạnh của xe thổ mộ, tại chợ Thủ Dầu Một có đến 3 bến xe thổ mộ nhộn nhịp mà lúc tập trung đông nhất cũng trên 50 chiếc. Không chỉ vậy Thủ Dầu Một còn có nhiều trại đóng xe thổ mộ có tiếng với thùng xe đẹp, trang nhã, bánh xe bền chắc. Xe sản xuất tại Thủ Dầu Một còn được gọi là xe "thùng Thủ" để phân biệt với các nơi sản xuất khác và cũng để khẳng định "đẳng cấp" của mình. Xe thổ mộ khi đó có vai trò rất quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa, hành khách vì các phương tiện giao thông đường bộ chưa phát triển.

Vào giữa thập niên 1960, xe lam được nhập vào miền Nam để thay thế xe thổ mộ, bởi thế xe thổ mộ dần dần mất hẳn.