“Xích-lô”, suất xứ từ tiếng Pháp “cyclo”, là một phương tiện giao thông sử dụng sức người, di chuyển trên 3 bánh dùng để chở khách hoặc hàng hóa. Người lái xe cũng vận hành cyclo như một chiếc xe đạp nên còn được gọi là “xích-lô đạp” và sau này được cải tiến với động cơ xe gắn máy để thành “xích-lô máy”.

Cũng áp dụng cách vận hành tương tự như cyclo, còn có xe ba gác với thùng xe đặt ở phía trước để chở đồ đạc cồng kềnh và sau này xe ba gác lại được cải tiến thành xe ba gác máy với động cơ của xe gắn náy.

Ngược lại với cyclo, ở miền Tây, hay còn gọi là Lục Tỉnh, có loại xe đạp kéo thùng chở khách đằng sau được gọi là xe lôi, rất phổ biến ở các tỉnh miền đồng bằng sông Cửu Long. Dần dà người ta lại dùng xe máy để kéo, cũng tương tự như người anh em là chiếc cyclo máy.

Chiếc cyclo đầu tiên xuất hiện tại Sài Gòn năm 1938 nhưng mẫu thiết kế lại không do người Việt vẽ kiểu mà lại là “tác phẩm” của một người Pháp. Lịch sử chiếc cyclo lại còn ly kỳ hơn, chiếc cyclo đầu tiên chính thức được nhà cầm quyền bảo hộ cấp phép lưu hành không phải là ở Sài Gòn mà là Phnom Penh, thủ đô của xứ Chùa Tháp trong Đông Dương thuộc Pháp gồm Việt Nam, Cao Miên và Lào.

Nhìn khái quát, cyclo là sự kết hợp và gắn nối của các ống sắt đủ loại, đủ kích cỡ, từ thanh bảo vệ hành khách ở phía trước đến phần ngồi của người điều khiển phía sau. Hai phần này được nối với nhau bằng một trục nằm dưới gầm xe, phía dưới chỗ ngồi của khách, có tác dụng giúp người lái xe có thể quẹo phải, trái hay đi thẳng về phía trước.

Phần yên xe của người điều khiển cũng là một kết cấu đơn giản với thắng tay nằm ngay phía dưới qua hình thức một chiếc vòng sắt hoặc một thanh ngang để người lái có thể kéo lên mỗi khi muốn giảm tốc độ hoặc dừng xe.

Congdongviet net 2020-04-01 114112-tW0D6XJBeo-1585759298516.png

Thắng tay nằm ở ngay dưới chỗ ngồi của người điều khiến

Lái cyclo không phải dễ như mọi người tưởng. Yên xe rất cao nên những người “thiếu thước tấc” rất khó “leo” lên, đó là chưa kể khi leo được lên yên chưa chắc đã đạp được hết vòng nếu chân quá ngắn.

Phần sau của xe được nối với thùng xe bằng một trục thẳng đứng nên khi cua ngặt sẽ khiến xe mất thăng bằng, dễ bị lật. Tuy nhiên, tôi đã có lần được chứng kiến “cao thủ” cyclo biểu diễn chạy xe bằng… 2 bánh. Có nghĩa là nghiêng hẳn một bên xe, và dĩ nhiên là trên xe không có khách.