Xe lam là loại xe chuyên chở công cộng phổ biến được du nhập Sài Gòn và các tỉnh miền Nam vào thập niên 1960 để đáp ứng nhu cầu đi lại của giới bình dân. Đây là loại xe có cấu trúc tương tự như xe “tuktuk” hiện còn đang được sử dụng tại các nước như Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh… Người ta giải thích cái tên “tuktuk” là do tiếng nổ của động cơ khi chạy trên đường.

Tại miền Nam, thuật ngữ “xe lam” có xuất xứ từ Lambretta và Lambro là nhãn hiệu xe của nhà sản xuất “Innocenti do Ferdinando Innocenti” sáng lập tại Ý từ năm 1920. Ngoài xe hơi, Innocenti còn sản xuất loại xe hai bánh mang nhãn hiệu Lambretta trong khoảng thời gian từ 1947 đến 1971. Năm 1996 Innocenti nhập vào hãng xe Fiat và chấm dứt các dòng sản phẩm riêng.

Các dòng xe lam lần lượt được nhập vào miền Nam để thay thế xe thổ mộ, hay còn gọi là xe ngựa. Đặc biệt loại xe lam khi nhập không ở dạng “đóng thùng”, việc đóng thùng xe được thực hiện tại Sài Gòn. Theo thống kê, trong số gần 35.000 chiếc Lambro 550 xuất xưởng thì có gần một nửa (khoảng 17.000 chiếc) được xuất sang thị trường Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam.

Khoảng những năm 1966-1967, chính phủ VNCH đã tiến hành một chương trình mang tên “Hữu sản hoá” nhằm cung cấp phương tiện hành nghề chuyên chở công cộng cho những lao động cần việc làm và cũng để cải thiện đời sống giới thợ thuyền, phát triển hạ tầng cơ sở vận tải … Và đó là cơ hội để xe lam thâm nhập vào thị trường miền Nam.

Ngoài việc “hữu sản hóa” xe taxi sơn màu vàng trên mui và xanh dưới thân, một số người thuộc giới tài xế xe lam cũng là những đối tượng của chương trình hữu sản hóa, trong số đó có không ít người từ xà ích xe ngựa trở thành tài xế xe lam. Họ ký kết những hợp đồng trả góp để có thể làm chủ một chiếc xe lam ngày ngày chạy trên đường phố kiếm cơm.