Đàn và ca vọng cổ là điệu phổ thông nhất và được thưởng thức nhất ở miền Nam sau này cho đến nổi mà đối với một số người Bắc mới vào Nam và có một số người Nam trong thế hệ trẻ, cổ nhạc miền Nam là vọng cổ và chỉ có vọng cổ. Kỳ thực thì cổ nhạc miền Nam có nhiều bài cùng điệu vọng cổ (điệu oán) mà hay hơn vọng cổ rất nhiều như các bài Tứ đại, Văn thiên Tường, hay là Trường tương tư, nhưng các bài ấy vì khó đàn khó ca nên sau này bị lãng quên mà chỉ còn có vọng cổ được tồn tại phổ thông vì dễ đàn và dễ ca.

Congdongviet net -200330-104519.PNG

1. Lịch sử :

Một số người Nam cho rằng vọng cổ phát xuất từ người Chàm ở miền Nam Trung phần (nhớ tiếc thuở xa xưa). Nhưng thuyết ấy không có chứng minh. Dù sao, đến cuối thập niên 1920, hồi thời " máy hát quay tay hiệu con chó có cái loa " (La voix de son maitre), thời dĩa hát hiệu " con gà " của hãng " Pathé ", hồi đời " Thầy Năm Tú ở tại Mỹ Tho ", đời mà khi diễn xong một tuồng hát, thì toàn ban ra trước sân khấu hát bài " Ma-Đờ-Long " (Madelon) để từ giã, thì trong Nam đã có bản nhạc " vọng cổ hoài lang ", 20 câu, mỗi câu có 4 nhịp ; đến đầu thập niên 30, lối năm 1935, 36, thì có nhóm nhạc sĩ ở Bạc Liêu đàn bản vọng cổ này mà kéo dài ra mỗi câu có lẽ 16 nhịp, nên lúc ấy trong Nam gọi là " vọng cổ Bạc Liêu " (hay là vọng cổ nhịp 16 "). Kể từ đó và suốt hết thập niên 40 là " thời kỳ vàng son " của vọng cổ với trọn 20 câu, mỗi câu có 16 nhịp, với các nghệ sĩ lừng danh trong cả Nam kỳ như các nhạc sĩ Sáu Tửng (đàn kìm), Chín Kỳ (đàn tranh), Hai Phát (đàn cò), các nam ca sĩ Năm Châu và Bảy Nhiêu, các nữ ca sĩ Cô Hai Đá, cô Ba Bến Tre, cô Tư Sạng, và nhất là cô Năm Phỉ (trong tuồng cải lương " Xử Án Bàng Quý Phi "). Các nhạc sĩ và ca sĩ trên còn đàn và ca được những bài Oán khác như Tứ Đại, Văn Thiên Tường, và trường Tương Tư).

Đến những thập niên 1950, 1960, tân nhạc Việt Nam theo lối nhạc Tây phương tràn ngập vào miền Nam và cổ nhạc miền Nam, nhất là những bản nhạc khó đàn và khó ca, bị lu mờ dần rồi bị lãng quên hẳn, chỉ còn có vọng cổ, rút ngắn lại còn có sáu (6) câu đầu, với nam ca sĩ " ăn khách " nhất là ông Út Trà Ôn, và nữ ca sĩ " ăn khách " nhất là cô Thanh Nga.

2. Nghe đàn và ca sáu (6) câu vọng cổ.

Khởi đầu cuộc trình diễn thì các nhạc sĩ " Rao " (rao điệu Oán : xem ở đoạn trước). Rao một lúc thì ca sĩ bắt đầu " nói lối " trong lúc nhạc sĩ vẫn rao ; khi nói lối gần xong thì nhạc sĩ ngừng rao, chờ cho ca sĩ xuống giọng để vô nhịp Hò đầu (của câu 1) thì nhạc sĩ " bắt " nốt Hò đó để vào bản nhạc và tiếp tục đàn luôn. (Thường thường nếu ca sĩ xuống giọng để " vào nhịp Hò " ấy mà nghe êm tai, mùi mẫn lại ăn khớp với tiếng đàn " bắt " nốt Hò đó thì khán giả vỗ tay rầm rầm).

  • Ca đến hết câu 1 thì " xuống nhịp Cống ", cho nên bài ca vọng cổ nào chữ cuối cùng của câu 1 cũng là một chữ có dấu sắc, hoặc có khi dấu hỏi hay dấu ngã, mới " ăn " với nốt " Côôống)
  • Cuối câu 2 thì " xuống nhịp Xang ", cho nên bài ca vọng cổ nào chữ cuối cùng của câu 2 cũng là một chữ không dấu mới " ăn " với nốt Xàãang. (miễn cưỡng lắm mới dùng chữ có dấu huyền thì phải đọc lờ đờ như là không dấu).
  • Cuối câu 3 và cuối câu 4 đều " xuống nhịp Hò " thì bài ca thường thường cuối câu 3 và cuối câu 4 là một chữ có dấu huyền mới " ăn " với nốt Hò (miễn cưỡng lắm mới dùng một chữ không dấu).
  • Cuối câu 5 thì " xuống nhịp Xề " nên trong bài ca chữ cuối của câu 5 nhất định phải là một chữ có dấu huyền, mà đọc phải gằng giọng và kéo dài để cho " ăn " với nốt " Xềêê ".
  • Cuối câu 6 thì xuống nhịp Hò (như 3 và 4) mà phải đọc nhẹ để chấm dứt bài ca cho êm tai.

Hồi xưa nếu còn tiếp tục ca nữa thì đặc biệt đến câu 9, xuống nhịp " Xự ", thì trong bài ca chữ cuối cùng của câu 9 phải là một chữ có dấu nặng mới " ăn " với nốt " Xưựư ".

Congdongviet net -200330-104633.PNG

Trong suốt thời gian đàn và ca thì có một nhạc sĩ vừa đàn vừa " cầm canh " nghĩa là giữ nhịp cụ để " chấm nhịp " thì phải gõ nhịp nghe một tiếng " cóc " ở nhịp thứ 12 và nhịp thứ 16 của mỗi câu (trừ câu 1 thường thường chỉ có 12 nhịp, vì cho rằng " Rao " đã mất hết 4 nhịp, nên phải gõ nhịp ở nhịp 8 và 12).

Đến câu 6, ở nhịp thứ 12 thì phải gõ vào nhịp cụ hai lần (nghe cóc cóc) để báo hiệu rằng còn 4 nhịp nữa hết câu thì sẽ stop, ngưng đàn và ca. Thì nhạc sĩ bắt đầu đàn lơi lơi và chậm lại dần (theo nhạc Tây phương là Rall hay Rallentando) và ca cũng hơi chậm chậm lại cho đến cuối câu nghe nhịp một cái " cóc " nữa là ngưng đàn và ca. Hồi xưa khi còn đàn và ca vọng cổ đủ cả 20 câu, thì đến đây không nghe nhịp hai cái cóc cóc thì nhạc sĩ và ca sĩ không đàn và ca chậm lại và hết câu 6 thì đi luôn qua câu 7.

Sau này còn có cái lối không đàn và ca luôn hết sáu câu, mà đến hết câu 3 thì :

- Hoặc ngừng rồi rao, nói lối, rồi xuống giọng để trở vô nhịp Hò đầu của câu 4, rồi đàn và ca luôn đến hết câu 6 ;

- Hoặc ngừng rồi rao, ca đệm vài câu của bản " Xuân Tình " hay bản " Chuồn Chuồn " rồi nói lối và xuống giọng để vô nhịp Hò đầu của câu 4 rồi đàn và ca luôn đến hết câu 6.

Trên đây tôi đã cố gắng trình bày vài nguyên tắc căn bản của cổ nhạc miền Nam, khác biệt với nhạc Tây phương để hiểu thêm phần nào và thưởng thức hơn nhạc cổ điển của chúng ta. Và tôi nghĩ rằng thế hệ già này của Việt kiều di cư, tuy không còn được thưởng thức tiếng đàn và lời ca của những bài cổ nhạc miền Nam độc đáo nữa như các bản Tây thi, Xàng xê, Nam xuân, Nam ai, hoặc Tứ đại, Văn thiên Tường, hay Trường Tương Tư, nhưng vẫn còn thấy xúc động khi được nghe đàn và ca sáu câu vọng cổ ; chứ đến thế hệ tương lai sau này của Việt kiều di cư, thì chắc chắn không biết tới tên của những bản cổ nhạc ấy nữa, và không biết sẽ còn xúc động khi nghe đàn và ca sáu câu vọng cổ hay không, hay là sẽ dửng dừng dưng như nghe nhạc A-rab hay nhạc Ấn độ, một sự dửng dừng dưng tò mò của người ngoại quốc ?

Nguyễn Lưu Viên