Đồ dùng đan bằng sợi hay làm bằng vải dày, dai, mắc hai đầu lên cao, giữa chùng xuống, để nằm, ngồi.

Vào thời phong kiến, quan lại triều Nguyễn không được phép dùng kiệu mà chỉ ngồi võng có mui che, được khiêng bởi 4 người lính. Đòn ngang của võng sơn son thếp vàng, khắc hình con giao long, đòn dọc của võng khắc hình con thú ứng với phẩm trật của vị quan ngồi trên võng.

Võng bằng lụa màu hồng. Mui che võng được quang dầu màu xanh để che mưa nắng. Quan lại trên hàng nhất phẩm thì có 4 người lính vác 4 chiếc lọng theo hầu, quan nhất phẩm chỉ có 3 lọng, quan nhị phẩm chỉ có 2 lọng và quan từ tam phẩm xuống đến cửu phẩm chỉ có 1 người vác lọng theo hầu. Ngoài ra, những tân khoa thi đỗ đều được dùng võng để về làng “Vinh quy, Bái tổ”. Trong ca dao xưa có câu “Ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau” để mô tả sự vinh quang của người học trò thành đạt.

Congdongviet net -200401-104600.PNG

Tin người đỗ đạt được đưa về làng, hương chức, dân làng họp ở đình, cắt cử người ra gập Tân khoa để ấn định ngày vinh quy, rước về nguyên quán. Thường thì đỗ Tú tài chỉ làng xã rước, đỗ Cử nhân hàng huyện phải rước, đỗ Tiến sĩ thì hương lý, trai tráng hàng tổng đem đủ nghi lễ, cờ quạt đón từ tỉnh rước về làng. Tuy nhiên, những người trong họ quan Tân khoa được miễn làm phu phen đi rước.

Theo Ngô Tất Tố trong Lều chõng thì thời nhà Lê, đỗ Tiến sĩ dân phải đem cờ quạt đến tận Kẻ Chợ (tức Thăng-long) đón rước, nhưng từ thời vua Gia-Long trở đi, Kẻ Chợ dời vào Thuận-hóa (Huế), người miền Bắc tới đó xa quá, nếu bắt cả tổng phải đi rước sợ làm phiền dân, nên chỉ bắt rước từ tỉnh nhà về mà thôi. Lúc đầu Tân khoa vinh quy cưỡi ngựa trạm, đến 1901, cả Phó bảng cũng được ngựa trạm đưa về chứng tỏ, trên nguyên tắc, các Tân khoa vẫn cưỡi ngựa vinh quy. Tuy nhiên, Phạm Quý Thích (1759-1825) lại cưỡi voi. Ông 20 tuổi đỗ Tiến sĩ niên hiệu Cảnh Hưng 40 (khóa 1779), đáng lẽ đỗ đầu, hiềm vì trẻ quá quan trường định đánh hỏng, đợi khoa sau mới cho đỗ thủ khoa. Rút cục, họ Phạm được lấy đỗ thứ nhì, người đỗ đầu là Ðặng Ðiền, tuổi gấp đôi. Rồi không biết từ bao giờ các Tân khoa lại đi võng thay vì ngựa, "Võng anh đi trước, võng nàng theo sau", phải chăng vì có những ông Tân khoa "trói gà không chặt" không biết cưỡi ngựa?

Huỳnh Côn (1849- ?) đỗ Phó bảng khoa 1877, thuật chuyện khi đỗ Cử nhân đã vinh quy, không cưỡi ngựa, đi võng như thường tình, mà lại đi bằng thuyền: “Tôi vinh quy bằng bốn chiếc thuyền tam bản, cắm cờ xí rực rỡ, mẹ tôi ngồi trong một chiếc thuyền ấy để ra đón tôi”.

Thời Pháp thuộc, theo Nguyễn Vỹ trong Tuấn, chàng trai nước Việt, các nhà theo Tân học cũng bắt chước lệ thi đỗ vinh quy: đỗ bằng Tiểu học (Certificat d'Etudes Primaires) thì rước bằng xe kéo, đỗ Cao đẳng Tiểu học Pháp-Việt (Diplôme d'Etudes Primaires Supérieures Franco-Indigène) thì đi cáng, Nghe nói có người thi đỗ Tú tài tây còn vinh quy bằng ô-tô.

Nhà thơ Nguyễn Bính trong bài Giấc mơ anh lái đò có nói đến chuyện đi võng vinh quy về làng:

Năm xưa chở chiếc thuyền này
Cho cô sang bãi tước đay chiều chiều
Để tôi mơ mãi, mơ nhiều:
"Tước đay se võng nhuộm điều ta đi
Tưng bừng vua mở khoa thi,
Tôi đỗ quan trạng vinh quy về làng
Võng anh đi trước võng nàng
Cả hai chiếc võng cùng sang một đò."

Trong bài thơ Quan trạng, tả cảnh quan Trạng vinh quy, Nguyễn Bính viết:

Quan Trạng đi bốn lọng vàng
Cờ thêu tám lá qua làng Trang Nghiêm
Mọi người hớn hở ra xem
Chỉ duy có một cô em chạnh buồn.

Có lẽ vì “hồn thơ lai láng” nên Nguyễn Bính đã đưa ra hai chi tiết không chính xác là dùng lọng vàng, mà lại tới bốn lọng, để rước ông Trạng về làng. Lọng vàng chỉ dành riêng cho vua, tân khoa đỗ Trạng, lúc vinh quy chỉ được che hai lọng màu xanh, phải làm quan tới nhất phẩm mới được đi bốn lọng xanh. Nếu quả thật có đám rước vinh quy của ông Trạng dùng tới 4 lọng vàng như nhà thơ Nguyễn Bính mô tả thì chắc chắn sẽ mắc tội… “phạm thượng”. Thế mới biết, thời phong kiến quá nhiêu khê với những luật lệ khắt khe mà người dân vô tình chứ không phải cố ý vi phạm...