Tuồng (hát bội hay hát bộ) - Một loại hình nghệ thuật sân khấu mang tính cổ điển khá độc đáo của Việt Nam. Ngôn ngữ của tuồng là văn chương bác học kết hợp nhuần nhuyễn văn chữ Hán với văn Nôm.

Congdongviet net -200330-170519.PNG

Theo một số tài liệu thì tuồng ảnh hưởng của hí khúc (Trung Quốc) do quân lính nhà Nguyên bị giữ làm tù binh dưới thời nhà Trần (thế kỷ XIII) biểu diễn. Nhưng tuồng Việt Nam có nét riêng của nó. Lúc đầu tuồng chỉ xuất hiện ở miền Bắc, sau đó theo binh lính chúa Nguyễn vào Đàng Trong và phát triển cực thịnh ở đó. Tuồng phát triển mạnh vào thế kỷ XVII - XVIII. Sang triều Nguyễn (thế kỷ XIX) tuồng vẫn giữ vị trí xứng đáng trong đời sống văn hoá ở cung đình và trong dân dã.

Có lúc người ta phân loại tuồng thành tuồng thầy (mẫu mực), tuồng ngự (cho vua xem), tuồng cung đình (diễn trong hoàng cung), tuồng pho (nhiều hồi diễn nhiều đêm), tuồng đồ (phóng tác, không có trong sử sách), tuồng tân thời (chuyển thể từ các tiểu thuyết). Nhưng tựu chung có thể chia làm hai loại tuồng kinh điển và tuồng dân gian. Ngày nay có ba lưu phái tuồng: Bắc, Nam bộ và Trung Bộ. Tuồng Trung Bộ phong phú và mang màu sắc dân tộc hơn cả. Bình Định là cái nôi của tuồng, trở thành đất tuồng với những tên tuổi tiêu biểu sau này: Đào Tấn, Nguyễn Hiển Dĩnh...

Congdongviet net -200330-170527.PNG

Nghệ thuật biểu diễn tuồng mang tính ước lệ cao và có những quy định chặt chẽ trong cách nói, hát và diễn xuất. Không gian và thời gian được gói gọn trong những câu hát, động tác múa với những đạo cụ thô sơ... nhờ đó mà khán giả có thể tưởng tượng ra núi, sông, sáng sớm, chiều hôm, trận mạc, đi ngựa, xuống thuyền... Bởi vậy, tuồng cổ không cần đến trang trí mỹ thuật, phông màn. Diễn viên hoá trang thường theo một số "mẫu" chung, vai trung mặt đỏ râu dài, vai nịnh mặt rằn râu ngắn... Nam diễn viên gọi là "kép", có kép văn, kép võ, kép rừng... Khi vào vai lão có lão văn, lão võ, lão tiều, lão chài... Nữ diễn viên gọi là "đào", có đào chiến, đào lẳng...

Kho tàng các vở diễn tuồng cổ Việt Nam ước có đến vài trăm nhưng lâu dần bị thất lạc phần lớn, trong đó có thể kể vài vở đặc trưng như Sơn Hậu, Tam nữ đồ vương, Đào Phi Phụng, Trưng nữ vương... Tuồng đã trở thành vốn quý của sân khấu truyền thống và mãi mãi là viên ngọc trong kho tàng văn hoá của dân tộc.