Nhắc đến Vũ Trọng Phụng người ta nghĩ ngay tới một nhà văn tài hoa nhưng bạc mệnh. Có năng khiếu nghệ thuật từ nhỏ, ông sáng tác từ rất sớm và thử nghiệm mình trên nhiều thể loại: viết báo, viết kịch, sáng tác truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, phê bình văn học… Nhưng có thể nói, tiểu thuyết và phóng sự là hai thể loại thành công nhất của nhà văn tài hoa này. Vũ Trọng Phụng được báo giới thời bấy giờ mệnh danh là “ông vua phóng sự đất Bắc”, là “nhà tiểu thuyết trác việt”.

Với giọng văn sắc sảo, mang đậm chất châm biếm, trào phúng và nội dung tư tưởng sâu sắc, các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng đều hướng tới chủ đề hiện thực, tố cáo và vạch trần xã hội Việt Nam trước cách mạng tháng 8 – một xã hội bê bối với những tấn trò đời bi kịch. Đọc những trang văn của ông, người ta không khỏi ngậm ngùi, chua chát. Ra đi vì bệnh tật khi mới 27 tuổi đời, khi tài năng đang độ phát triển rực rỡ, Vũ Trọng Phụng để lại trong làng văn và trong lòng độc giả một chỗ trống không dễ gì khỏa lấp

Từ những truyện ngắn đầu tiên, Vũ Trọng Phụng đã gây ấn tượng cho người đọc bằng lối hành văn rất sinh động, câu văn chau chuốt, sắc sảo; từng lời từng chữ vô cùng chua cay. Đọc truyện Vũ Trọng Phụng, chúng ta cứ ngỡ nhà văn đang tái hiện xã hội thường ngày quanh ta – nơi những mối quan hệ phức tạp giữa con người đan xen với nhau.