Nhắc tới tranh dân gian Việt Nam không thể không nói tới dòng tranh khắc gỗ Đông Hồ. Dòng tranh này ra đời từ khoảng thế kỷ 17 và phát triển cho đến nửa đầu thế kỷ 20 sau đó suy tàn dần. Mang trong mình những nét tinh túy riêng với những giá trị văn hóa to lớn. Những khác biệt của dòng tranh này so với cách dòng tranh khác được thể hiện từ những khâu như vẽ mẫu, khác bản in, sản xuất và chế biến màu cho đến in vẽ tranh. Đây là dòng tranh khắc ván, sử dụng ván gỗ để in tranh, tranh có bao nhiêu màu thì có bấy lần in.

Dòng tranh này có đề tài rất phong phú, nó phản ảnh hầu như tất cả những gì diễn ra trong cuộc sống, sinh hoạt thường ngày cũng như những mối quan hệ xã hội ở miền nông thôn Bắc Bộ. Từ những gì dân dã nhất như hái dừa, đánh ghen, gà trống,... cho tới những bức tranh thờ: Phú Quý, Nhân Nghĩa...

Do đề tài gần gũi tranh Đông Hồ đã được người dân đón nhận và sớm đi vào đời sống văn hoá của họ. Mỗi khi Tết đến dường như hầu hết các gia đình ở nông thôn miền Bắc đều có treo một vài tờ tranh Đông Hồ. Cùng với thời gian, với sức mạnh mang trong mình, tranh Đông Hồ ngày càng lan tỏa ra các vùng xung quanh, để rồi nó đã trở thành một phần không thể thiếu của đời sông văn hóa tinh thần của người dân.

Dù đã có thời gian đi vào lãng quên, nhưng ngày nay dòng tranh này vẫn còn giữ được những giá trị to lớn của nó. Tranh Đông Hồ vẫn tồn tại như là một biểu tượng văn hoá của người dân Việt.

Các tác phẩm: Gà mái, Bà Triệu, Thạch Sanh, Hứng dừa, Gà Đại Cát, Đám cưới chuột