Cách đây khoảng 4.000 năm vào thời đại đồng thau phát triển, nước Việt Nam thời đó gọi là nước Văn Lang. Người dân ở đây đã sinh sống bằng săn bắn, hái lượm và trồng trọt. Họ không dùng vỏ cây làm áo nữa mà đã biết trồng gai, đay, nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải. Vào thời kỳ này đồ đồng rất phong phú. Trống đồng và nhiều tượng phù điêu bằng đồng có khắc họa những cảnh sinh hoạt thời đó với những hình người, với các loại trang phục khá rõ nét và được thể hiện bằng phong cách nghệ thuật biến hình, cách điệu cao. Qua đó, ít nhiều đã cho thấy trang phục của người thời đó khá phong phú như phụ nữ mặc áo ngắn đến bụng, xẻ ngực, bó sát vào người, phía trong mặc yếm kín ngực, chiếc yếm cổ tròn sát cổ, có trang trí những hình tấm hạt gạo. Cũng có những loại áo cánh ngắn, cổ vuông, để hở một phần vai và ngực hoặc kín ngực, hở một phần vai và trên lưng. Hai loại sau có thể là loại mặc chui đầu hay cài khuy bên trái. Trên áo đều có hoa văn trang trí. Thắt lưng có ba hàng chấm trang trí cách đều nhau quấn ngang bụng.

Qua những hiện vật khảo cổ đã tìm được cho thấy trang phục của đàn bà và đàn ông như sau: 

  • Đàn bà mặc váy (váy kín "váy chui" và váy mở "váy ngắn").
  • Đàn ông thường đóng khố và cởi trần.

Do điều kiện khí hậu và sinh sống, người dân thường lên rừng săn bắn, hái lượm hay xuống biển bơi lặn đánh cá, hoặc làm ruộng nước vất vả nên đầu tóc phải gọn gàng. Vì vậy, đàn ông và đàn bà phải cắt tóc ngắn đến ngang vai hoặc một số ít cắt ngắn đến chân tóc. Về trang phục của chiến binh thì gồm mảnh giáp hình chữ nhật dùng để che ngực có 4 quai đeo. Đai lưng bằng đồng có khóa to bản, được hình thành bởi nhiều các móc được liên kết với nhau. Trên bề mặt mỗi miếng đều có họa tiết hình rùa hay chim. Các loại bao ống tay, bao ống chân bằng đồng có thể được dùng trong các điệu múa ngày lễ, ngày hội (xem ảnh). Về hình thức trang sức và trang điểm của người Việt cổ thì nam nữ đều xâu lỗ tai và đeo đồ trang sức. Các loại vòng tai phổ biến của hai giới là hình tròn, hình vành khăn, hình khối đặc biệt là loại vòng hoa tai gắn quả nhạc hay đôi hoa tai bằng đá, hình con thú. Những chuỗi hạt thường thấy gồm các loại hạt hình trụ, trái xoan, hình cầu. Còn vòng tay với nhiều hình khác nhau như: tròn, vuông, chữ nhật, lòng máng, sóng trâu... có trang trí hoa văn hình lông chim hay bông lúa.

Ngoài ra còn nhiều nhẫn bằng đồng đeo ở ngón tay cũng gắn quả nhạc dài xinh xắn. Tuy đồ trang sức còn thô sơ, nhưng với điều kiện chế tác hạn chế ta thấy con người thời đó đã có trình độ thẩm mỹ và óc tưởng tượng cao, đã quan tâm đến vấn đề làm đẹp cho thân thể, đồng thời thể hiện bàn tay khéo léo, cần cù lao động. Đàn ông thường vẽ lên mình những hình ngoằn ngoèo, hình móc câu, đó là tục xâm mình phổ biến. Đàn ông và đàn bà đều nhuộm răng đen và có tục ăn trầu.

Nghiên cứu các kiểu trang phục, trang sức, trang điểm thời Hùng Vương, ta tìm hiểu được khía cạnh về đời sống, mối quan hệ xã hội thời đó. Mặt khác, ta còn chắt lọc ra những yếu tố thẩm mỹ làm tôn vẻ đẹp con người gắn bó với thiên nhiên, hài hòa với đất nước non trẻ, với xã hội vào thời kỳ đầu dựng xây.