Trang phục lễ cưới hỏi

Nhân dân ta mỗi khi nói tới ngày cưới vẫn thường cho rằng "Trăm năm mới có một lần" có lẽ do đó mà từ trước đến ngày nay, những bộ trang phục trong ngày cưới bao giờ cũng mới, đẹp hơn trang phục ngày thường. Thời xưa, bộ trang phục mà các cô dâu mặc trong ngày cưới cũng chính là trang phục của các cô mặc trong những ngày hội cổ truyền của dân tộc.

Thời xa xưa, trong ngày cưới của dân tộc Việt, các cô dâu miền Bắc thường mặc bộ áo mớ ba, ngoài cùng là chiếc áo the thâm, bên trong ẩn hiện hai chiếc áo màu hồng và màu xanh hoặc màu vàng với màu hồ thủy. Rồi đến áo cánh trắng, cuối cùng là chiếc yếm hoa đào có dải bằng lụa bạch. Thắt lưng gồm hai chiếc bằng lụa màu hoa đào, hoa lý, ngoài cùng là thắt lưng sồi xe hay vải sa màu đen, cả ba thắt lưng đều có tua ở hai đầu. Vấn khăn, đầu khăn gài chiếc đinh ghim, có đính con bướm vàng chạm bạc, để tóc đuôi gà. Lúc đưa dâu, đi đường đội nón thúng quai thao (chủ yếu là để che mặt cho đỡ thẹn với mọi người), chân đi dép cong. Đồ trang sức có khuyên đeo tai bằng vàng hoặc bằng bạc, cạnh sườn đeo bộ xà tích, con dao, ống vôi bằng bạc chạm trổ tinh vi.

Cô dâu miền Trung cũng mặc áo mớ ba, trong cùng là áo màu đỏ hoặc hồng điều, áo giữa bằng the hay vân thưa màu xanh chàm, áo ngoài cùng bằng the hay vân thưa màu đen. Có người chỉ mặc lồng hai áo, trong cũng là màu đỏ hoặc hồng điều, ngoài là vân thưa màu xanh chàm để tạo nên hiệu quả một màu tím đặc biệt nền nã. Mặc quần trắng, đi hài thêu. Tóc chải lật, búi sau gáy. Cổ đeo kiềng hoặc quấn chuỗi hột vàng cao lên quanh cổ. Cổ tay đeo vòng vàng, xuyến vàng...

Cô dâu miền Nam mặc áo dài gấm, quần lĩnh đen, đi hài thêu. Tóc chải lật, búi lại và cuốn ba vòng phía sau đầu, gài lược "bánh lái" bằng đồi mồi hoặc bằng vàng, bạc. Có người cài trâm vàng, đầu trâm có đính lò xo nhỏ nối tiếp với một con bướm bằng vàng hay bạc tạo nên một độ rung, tăng thêm nhiều phần sinh động và thẩm mỹ, đeo dây chuyền nách (xà nách) bằng vàng, đeo nhiều chuỗi hột vàng ở cổ...

Chú rể ba miền đều thường mặc áo thụng bằng gấm hay the màu lam, quần trắng ống sớ, búi tóc, chít khăn nhiễu màu lam, chân đi văn hài thêu đẹp.

Những năm 1920 - 1930, ở thành thị miền Bắc, cô dâu mặc áo dài cài vạt. Ngoài là chiếc áo the thâm, bên trong, áo màu hồng hay xanh hoặc ngoài là chiếc áo dài sa tanh đen, bên trong, áo dài lụa trắng Cố Đô. Mặc quần lĩnh hay sa tanh đen. Chân đi văn hài thêu hạt cườm hay đôi guốc cong. Vấn khăn nhung đen, đeo hoa tai bèo, cổ đeo nhiều vòng chuỗi hột bằng vàng. Chú rể mặc áo dài the thâm, trên nền áo dài trắng bên trong. Quần trắng ống sớ, đi giày Gia Định. Đội khăn xếp. Khi lễ tơ hồng, lễ nhà thờ thì khoác áo thụng lam.

Đến giai đoạn sau, các cô dâu con nhà giàu mặc áo thụng bằng gấm màu đỏ hoặc màu vàng...có họa tiết rồng phượng, cánh tay áo dài và rộng. Mặc quần trắng, đi giày vân hài bằng nhung màu đỏ hoặc màu vàng hay lam có thêu rồng, phượng bằng hạt cườm hay chỉ kim tuyến lóng lánh. Đầu đội khăn vành dây bằng nhiễu, màu lam hay vàng quấn nhiều vòng quanh đầu. Trang phục như trên thường được gọi là kiểu hoàng hậu, từ miền Trung phổ biến ra miền Bắc. Có cô dâu mặc áo dài bằng vải mình khô hoa ướt hoặc gấm hoa, sa tanh, hay nhung đỏ, mặc quần lụa trắng. Vấn khăn vành dây, cổ đeo kiềng hay dây chuyền. Tay đeo xuyến, vòng.

Ở thành thị về sau này còn tiếp thu một số hình thức trang điểm của Châu Âu. Cô dâu trang điểm son phấn, cài thêm bông hoa hồng trắng bằng voan ở ngực trái, tay ôm bó hoa lay ơn trắng, tượng trưng cho sự trong trắng, đồng thời làm đẹp cho bộ trang phục ngày cưới. Mặt khác cũng để đôi tay đỡ ngượng nghịu. Chú rể mặc com-lê, thắt cra-vát hay cài nơ ở cổ, đi giày da. Ở ngoại thành, cô dâu mặc theo lối cổ truyền áo dài cài cúc, quần lĩnh đen. Chú rể mặc áo the, quần trắng, đội khăn xếp.

Trong kháng chiến chống Pháp, ở vùng tự do, đám cưới được tổ chức giản dị theo đời sống mới, phù hợp với hoàn cảnh từng nơi. Trang phục lễ cưới cũng vì vậy mà không có gì khác biệt với trang phục ngày thường, mà chỉ là quần áo mới may.

Từ năm 1954, nhiều nghi thức, trang phục lễ cưới được lược bỏ, xuất phát từ trình độ giác ngộ của miền Bắc mới được giải phóng và vì cuộc chiến đấu gian khổ chống đế quốc Mỹ cũng không cho phép bày biện nhiều. Với tinh thần vừa chiến đấu vừa xây dựng, với ý thức của những con người tràn đầy niềm lạc quan, dù trong bom đạn, lễ cưới vẫn được quan tâm tổ chức đàng hoàng.

Ở thành thị, cô dâu mặc áo dài màu trắng hoặc các màu sáng, nhạt, mặc quần trắng, đi giày cao gót, tay ôm hoa lay-ơn. Tóc phi-dê hoặc chải bồng, cặp tóc. Trang điểm má hồng, môi son. Chú rể mặc com-lê, thắt cra-vát, đi giày. Những người là cán bộ hay ở nông thôn, cô dâu thường mặc áo sơ-mi trắng hoặc áo cánh trắng hay áo bà ba, quần đen, đi dép mới. Chú rể mặc áo sơ-mi mới, quần Âu, đi giày, xăng-đan hoặc dép nhựa. Bộ đội vẫn có thể mặc bộ quân phục, cán bộ thì mặc quần áo đại cán mới, tóc chải gọn gàng.

Ở miền Nam, vùng ta kiểm soát, tình hình diễn ra cũng như ở thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Từ sau năm 1975, đất nước đã thống nhất, mối giao lưu văn hóa mở rộng và đặc biệt là những năm 1980 - 1981, do ảnh hưởng của các mốt trang phục Âu Mỹ, một số cô dâu ở thành thị miền Nam và miền Bắc mặc áo liền váy màu trắng hoặc màu vàng, màu xanh nhạt, gấp nếp ở tay, ở ngực, váy xòe rộng, dài quá gót chân, có những chiếc váy từ thắt lưng đến gấu chia làm nhiều đoạn với những khoanh đăng ten, gọi là váy ba tầng hay năm tầng hoặc váy dài, gấp nhiều đường chiết ở ngực, thắt lưng... Đi giày cao gót trắng. Tay đeo găng mỏng. Cổ đeo chuỗi hạt kim cương hoặc giả kim cương hay xa-phia lóng lánh. Tóc phi-dê, người nào tóc dài thì làm phi-dê giả, tóc uốn thành chín búp dài gọi là búp Ăng-lê rủ xuống quanh đầu. Mái tóc phía trước cài vòng hoa trắng bằng vải hoặc chải tóc bồng cao, cài những vòng hạt có tua rủ xuống hai bên thái dương và ở giữa trán, trùm thêm một khăn voan trắng trên đầu. Lúc đưa dâu, có cô dâu kéo khăn ấy che mặt. Mặt trang điểm phấn son đậm nét. Nhiều người kẻ mắt đậm, mi mắt trên bôi xanh, cặp hàng lông mi giả dài và cong. Tay ôm bó hoa lay-ơn trắng, thêm một dây hoa hồng trắng dài gần đến chân. Tất cả những cái đó làm cho cô dâu khác biệt và nổi bật lên giữa các cô phù dâu. Chú rể mặc com lê, màu be hay kẻ ca-rô hoặc màu đậm, thắt cra-vát điểm hoa nhiều màu. Đi giày da đen. Đặc biệt là có cài một bông hoa hồng trắng ở túi áo ngực cho khác với những người phù rể. Ở nông thôn, trang phục cô dâu, chú rể chỉ là quần áo mặc ngày thường nhưng mới và đẹp. Về trang phục của những người phù rể đều mặc tương tự như quần áo chú rể. Phù dâu thời xưa mặc tương tự như cô dâu, gần đây đám cưới ở thành thị, phù dâu cũng chỉ mặc áo dài các màu, quần trắng, trang điểm đẹp.

Với quan điểm thẩm mỹ đương thời, phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay, để thêm phần duyên dáng, tươi đẹp và để có sự khác biệt với các cô phù dâu, cô dâu có thể cài bên mái tóc một dải hoa trắng. Ngoài ra nên đeo những đồ trang sức như: dây chuyền, chuỗi hạt... trang nhã. Chỉ nên trang điểm nhẹ, tránh tình trạng hóa trang biến thành một người khác không ai nhận ra được. Chú rể nên mặc com-lê bằng vải trơn màu sáng, đeo cra-vát, cài một bông hoa trắng trên ngực hoặc đơn giản hơn, có thể mặc sơ-mi dài tay và thắt cra-vát, nếu trời nóng nực. Những người đi dự đám cưới nên ăn mặc đẹp, gọn gàng, sạch sẽ, tránh sự lố lăng, kệch cỡm.

Trong dân tộc Việt nước ta, trang phục lễ cưới của cô dâu cũng chính là trang phục ngày hội, ngày lễ. Toàn bộ trang phục của cô dâu, chú rể, của những người đi dự lễ cưới nếu ăn nhập vào thiên nhiên, kiến trúc Việt Nam, thật là đẹp.

Ngày nay, dù đất nước đang xây dựng xã hội chủ nghĩa, các nhà máy mọc lên, giao thông mở rộng, thành thị nông thôn giao lưu, cuộc sống có nhiều thay đổi, tâm hồn con người Việt Nam, tính cách con người Việt Nam thể hiện trên nhiều mặt, trong đó có phần trang phục không thể tách rời môi trường, cảnh trí, thiên nhiên Việt Nam. Trang phục lễ cưới, dù ở nông thôn hay thành thị, dù có sự biến đổi tất yếu, vẫn cần góp phần tạo nên một bức tranh đời sống văn hóa thật độc đáo của con người Việt Nam. Cần nối tiếp và phát huy cái đẹp từ ngàn xưa để lại, mỗi lần trong đời người nhớ tới hình ảnh ấy củng cố thêm cho mình lòng yêu quê hương, đất nước, lòng quyết tâm bảo vệ hạnh phúc gia đình và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Đến những năm 1981 - 1982 nhờ có sự hướng dẫn chọn lọc, trang phục cô dâu đã quay về chiếc áo dài cổ truyền dân tộc với mấy kiểu sau đây:

Kiểu áo dài "hoàng hậu", cổ đứng cao, tay thụng, dài vừa tầm, may sát thân, màu đỏ hay nhiều màu sắc khác. Đội khăn vành dày màu vàng bằng vải kim tuyến. Ngực cài bông hoa hồng trắng. Mặc quần trắng, đi giày cao gót. Tô điểm nhẹ trên khuôn mặt.

Kiểu áo dài bình thường màu trắng, hoặc các màu sáng, điểm hoa nhẹ, may sát thân, tay hơi loe, vai ráp lăng, vạt dài ngay ống chân. Mặc quần trắng, đi giày trắng cao gót. Mái tóc để tự nhiên, cài thêm bông hoa trắng nhỏ, tay ôm hoa lay-ơn trắng.

Những bộ trang phục cưới thanh nhã còn giữ được những nét cổ truyền của dân tộc như trên làm tôn vẻ đẹp cho các cô dâu đã được nhiều người ưa thích.

Trang phục lễ cưới ở đồng bào người Việt cho đến nay đã trải qua nhiều giai đoạn. Những nét tiến bộ trên cơ sở truyền thống dân tộc được nhân dân phát huy làm phong phú thêm cho trang phục ngày cưới. Những mốt "hiện đại" theo sự biến động của trào lưu trang phục nước ngoài xa lạ với thẩm mỹ của nhân dân, không phù hợp với tầm vóc cơ thể của người phụ nữ Việt Nam đã dần bị loại trừ như thứ váy năm, bảy tầng, kiểu tóc và những hình thức "trang điểm" diêm dúa, lạc lõng, lai căng, đua đòi, thiếu sự hài hòa thẩm mỹ, nó không làm đẹp mà đi ngược lại điều mong muốn của các cô dâu và mọi người.

Chúng ta đều biết, có những tộc người ở nước ta hay ở một số nước trên thế giới (dù đã có nền công nghiệp hiện đại) ngày nay vẫn duy trì một phong tục tốt: Cô dâu trong ngày cưới mặc bộ trang phục cổ truyền đẹp nhất của dân tộc mình.

Trong hoàn cảnh đất nước ta hiện nay còn nhiều khó khăn, trang phục lễ cưới nói chung của cô dâu chú rể nói riêng cũng cần tùy thuộc vào khả năng kinh tế của từng gia đình, dựa theo phong tục tập quán ở từng địa phương mà định liệu. Ở thành thị (hoặc ở nông thôn, nếu có điều kiện), cô dâu nên mặc áo dài trắng hoặc áo dài màu sáng, nhạt. Chọn lựa không thể tùy tiện, không nên quan niệm rằng loại vải nào càng đắt tiền là càng đẹp, màu sắc nào càng rực rỡ là càng sang trọng, hợp thời. Ngoài màu sắc (như trắng, đỏ, xanh nhạt...) hoặc theo chất liệu vải (như lụa, nhung, xoa ni lông...), còn phải căn cứ vào tầm vóc từng người (cao, thấp, gầy, béo).