Trống Đất

Từ Dữ liệu văn hóa Việt Nam
Buớc tưới chuyển hướng Bước tới tìm kiếm

Ngoài đền thờ 18 vị Vua Hùng có công tạo dựng đất nước, tỉnh Phú Thọ - một địa danh được gọi với cái tên đất Tổ - là nơi gìn giữ nhiều giá trị văn hoá truyền thống, vật thể và phi vật thể, trong đó, Trống Đất - một trong những nhạc cụ cổ nhất của dân tộc Việt Nam.

Congdongviet net -200330-172213.PNG

Theo các nhà khoa học thì đây là một loại nhạc cụ có từ rất sớm, là thủy tổ của những loại trống đang có. Theo truyền thuyết một trong các Vua Hùng sau khi thắng giặc, trên đường về đã cho quân sĩ hạ trại tại xã Tân Lập để khao quân, ăn mừng chiến thắng. Trong quá trình đào đất, chôn cọc dựng trại, Đức Vua nằm nghỉ áp tai xuống mặt đất nghe được âm thanh của tiếng đào đất chôn cọc "thình thình" dội lại thật lạ tai nên nhà vua đã nghĩ tới việc làm Trống Đất. Từ đó Trống Đất đã trở thành nhạc cụ cho ngày hội ăn mừng khao quân thắng trận.

Nghệ nhân Đinh Văn Nhật, 58 tuổi, sống tại xóm Nưa Thượng, xã Tân Lập, là người đã từng làm và chơi Trống Đất từ thuở nhỏ. Ông được các thế hệ đi trước truyền dạy hết sức cẩn thận về cách làm và cách diễn tấu.

Theo nghệ nhân Nhật, trước khi làm ra chiếc "Trống Đất", người làm nó phải làm lễ tế trời đất. Công việc tiếp đến là đào một hố tròn có đường kính 18cm-20cm, sâu khoảng 30-35cm hình chum trên một mặt đất phẳng. Dùng 2 chiếc bẹ bương khô xếp tráo đầu đuôi đậy lên miệng hố làm mặt trống. Sau đó, lấy một chiếc lạt tre chốt một đầu và sâu qua chính giữa 2 chiếc bẹ đó. Mặt trống được ghim xuống đất bằng 4 que tre sau đó được ép phẳng kín với mặt đất bằng 4 chiếc nẹp nứa. Công việc tiếp sau đó là đóng 2 chiếc que được làm bằng nhánh cây bương, cách tâm của mặt trống chừng 1m về hai phía. Lấy sợi dây sắn rừng có đường kính chừng 5-7mm buộc căng vào hai đầu của 2 chiếc que vừa đóng rồi kéo sợi dây từ mặt trống buộc căng chặt lên sợi dây sắn rừng. Tất cả những thao tác trên được làm trong khoảng 10 phút. Trống Đất đã được chế tạo xong.

Âm thanh của "Trống Đất" phụ thuộc vào độ kín của mặt trống, độ căng của sợi dây cũng như đường kính, độ dài của sợi dây và chiều rộng, chiều sâu của hố đất. Độ mịn, quánh, dẻo của đất cũng có tác động lên âm thanh của trống. Hai chiếc que buộc với sợi sắn rừng có chức năng của một cần âm thanh. Người diễn tấu trống dùng 2 đũa tre gõ lên sợi dây lạt truyền qua mặt trống xuống đất. Những âm thanh trầm bổng được vang lên có lúc âm rền như công-tơ-bát. Nếu người diễn tấu dùng một tay vít vào cần âm thanh thì tiếng trống có độ ngân dài như tiếng đàn bầu, nếu chặn ngón tay vào dây, tiếng trống sẽ khô và đanh hơn. Ngoài ra, người chơi trống có thể tạo ra các âm thanh như tiếng vó ngựa dồn dập bay về báo tin thắng trận, có lúc như tiếng quân reo náo động.

Theo lời các nghệ nhân địa phương, trước đây, trong những ngày lễ hội "Trống Đất" được kết hợp với các loại nhạc cụ dân tộc khác để đệm cho hát giang, hát ví của dân tộc Mường. Hiện nay, vị trí của "trống đất", một nhạc cụ dân dã, tại các buổi lễ hội có phần lu mờ trước sự lấn át của các loại nhạc cụ khác, hiện đại hơn.

Mơ ước của nghệ nhân Đinh Văn Nhật cũng như đồng bào dân tộc Mường xã Tân Lập muốn đưa "Trống đất" sánh cùng các nhạc cụ dân tộc khác để phục vụ đông đảo khách thập phương hành hương về giỗ Tổ ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm tại đền Hùng, nơi cội nguồn dân tộc Việt Nam.