Sách “Lĩnh Nam chích quái” từng miêu tả các trò khéo: Đi trên dây, nhào lộn, uốn dẻo, lăn trong lồng, nhảy cầu bập bênh... đã có từ thời Đinh. Các thời sau, ở Thăng Long trò khéo phát triển và thường được trình diễn cùng với múa võ trong các ngày lễ hội, ngày tết, trong các phiên chợ kinh thành. Sau thành các trò xiếc và tạp kỹ.

Hai cột tre cao 3 - 4m trồng trên một bãi rộng, cách nhau khoảng 10m, trên căng một sợi chão to nối hai cột. Diễn viên nữ, quần áo bó ống gọn gàng, thắt lưng bỏ múi, tay cầm chiếc quạt giấy xòe to để giữ thăng bằng, đi lại thoăn thoắt trên dây. Diễn viên nam leo cột lên cao, đi trên dây, hai tay múa rất dẻo. Chiếc dây võng xuống vì sức nặng của hai người. Thỉnh thoảng một trong số họ làm như trượt chân ngã xuống, nhưng lại vẫn ngồi trên dây, phe phẩy quạt, vắt chân chữ ngũ ung dung...

Trò đi cà kheo cao lênh khênh, vừa đi, vừa trêu ghẹo nhau, đuổi bắt nhau, làm những động tác gây cười. Lại có tiết mục đi cà kheo ngắn trên dây. Bên cạnh đó là các trò nhào lộn dưới đất, nhào lộn trên dây, chồng người rồi xoay tròn, uốn dẻo, trồng cây chuối, nhảy cầu hất tung người...

Xen kẽ với các trò này là các miếng ảo thuật biến hóa khôn lường. Diễn viên nuốt trứng nhả ra gà, ấp trứng gà trong cơi trầu thành chú sống thiến, nhai nắm đinh sắt rồi nuốt chửng, đi chân đất trên lò than hồng...