VN có thành ngữ "Trâu chậm uống nước đục" tuy lối nói có khác, nhưng ý nghĩa thì tương đồng với thành ngữ của Tàu "Tiệp túc tiên đăng" (nhanh chân thì trèo lên được trước), hoặc "Tiệp túc tiên đắc" (nhanh chân thì được trước). Các thành ngữ này được dùng để nói về trường hợp người nhanh chân sẽ đạt được mục đích trước, kẻ chậm chân tất phải thiệt thòi.

Trong lịch sử Tàu, triều đại nhà Tần là triều đại có chính sách cực kỳ tàn bạo, nào là đốt sách chôn học trò, nào là sưu cao thuế nặng, giao dịch khó khăn, khiến dân oán hận vô cùng.

Cuối đời Tần, các anh hùng hào kiệt trong thiên hạ nổi lên khắp nơi, chống lại nhà Tần và tranh giành thiên hạ.

Lưu Bang có một đại tướng là Hàn Tín, đã đánh bại Tề Vương Điền Quảng, đánh chiếm đất Lâm Chuy, bình định được đất Tề. Lúc đó Lưu Bang lại đang bị Hạng Võ vây tại đất Huỳnh Dương (tức vùng Tây Nam huyện Huỳnh Trạng ngày nay). Rồi Lưu Bang sợ Hàn Tín bội phản, bèn sai Trương Lương tới tuyên sắc chỉ lập Hàn Tín làm Tề Vương.

Mưu sĩ của Hàn Tín là Khoái Thông khuyên Hàn Tín nên phản lại Lưu Bang, rồi liên lạc với Hạng Võ, chia ba thiên hạ, sau đó sẽ tính việc thống nhất giang sơn. Tuy nhiên, Hàn Tín không nghe.

Về sau, Hàn Tín bị giáng xuống làm Hoài Âm Hầu, lúc đó mới ngầm liên lạc với Trần Hy, đang đóng quân tại Cự Lộc (tức địa phận Vọng huyện, thuộc tỉnh Hà Bắc ngày nay), hẹn là lật đổ Lưu Bang. Nhưng âm mưu bại lộ, Lưu Bang đem binh đáh Trần Hy, còn Hàn Tín thì bị vợ của Lưu Bang bắt sai đem giết. Lúc sắp bị hành quyết, Hàn Tín than rằng :


- Ta hối hận không nghe lời Khoái Thông, để đến nổi ngày nay phải chết về tay một con đàn bà tầm thường.

Sau khi diệt được Trần Hy trở về, Lưu Bang biết chuyện, bèn sai bắt Khoái Thông để đem chém. Khoái Thông kêu oan và nói rằng :


- Con chó kia mà còn biết chủ nó, ai không phải chủ nó thì nó cắn nó sủa, huống hồ là ngườị Lúc đó tôi chỉ biết có Hàn Tín mà không biết có chúa công. Nhà Tần đã sụp đổ, anh hùng trong thiên hạ đang tranh đoạt nhau, người nào có tài và hành động mau chân lẹ tay thì người đó được thiên hạ vậy ("Ư thị cao tài tật túc giả tiên đắc yên"). Thiên hạ đại loạn, ngươi nào cũng muốn làm công việc mà chúa công làm, thì tại sao chúa công lại định giết tôi ?

Lưu Bang ngẫm nghĩ rồi cho là đúng, bèn tha cho Khoái Thông.

Sự tích trên đây được chép trong Sử ký của Tư Mã Thiên. Từ câu nói "Cao tài tật túc tiên đắc yên" (có tài cao mà nhanh chân thì được trước vậy) của Khoái Thông, người đời sau rút ra thành ngữ "Tiệp túc tiên đăng (nhanh chân thì trèo lên được trước), hoặc "Tiệp túc tiên đắc (nhanh chân thì được trước) để nói về trường hợp một người làm việc mau lẹ, quyết định sớm sủa, thì đạt đượ c mục đích trước những người khác.