Từ quốc lộ 20 đi vào hồ Tuyền Lâm, du khách có thể rẽ phải theo con đường tráng nhựa ngoằn nghèo ôm sườn núi để đến đỉnh Phượng Hoàng, nơi tọa lạc Thiền viện Trúc Lâm đẹp nổi tiếng trong một khung cảnh thiên nhiên thoáng đãng nên thơ.

Ra đời trong một hoàn cảnh khá đặc biệt, với chủ trương khôi phục dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử do vua Trần Nhân Tông sáng lập, một dòng thiền đã biết dung hợp các thiền phái Thảo Đường, Vô Ngôn Thông, Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Lâm Tế … để un đúc thành Thiền Tông Việt Nam với bản sắc văn hoá, phong tục tập quán của Việt Nam. Thiền viện Trúc Lâm được xây dựng theo quyết định số 1039/QĐ-UB ngày 19-07-1993 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, trên một khuôn viên bảo vệ rừng là 23,2 ha trong đó diện tích xây dựng khoảng 2 ha.

Thien vien truc lam.jpg

Thiền viện Trúc Lâm đã được kiến trúc sư Ngô Viết Thụ phác hoạ tổng thể, kiến trúc sư Huỳnh Ngọc Ẩn vẽ thiết kế chánh điện. Sau đó Viện thiết kế quy hoạch tổng hợp thành phố Đà Lạt đã vẽ lại và vẽ thêm phần thiết kế khu nội viện. Trong quá trình xây dựng, Hoà thượng Viện trưởng có nhờ kiến trúc sư Vũ Xuân Hùng vẽ thêm phần cổng tam quan và tháp chuông đồng thời cũng vẽ điều chỉnh lại để cho kiến trúc có đường nét thanh thoát nhẹ nhàng và đậm tính dân tộc hơn. Công trình xây dựng bắt đầu từ ngày 08 tháng 04 năm Quý Dậu(1993), với sự giúp đỡ nhiệt tình của các tăng, ni Phật tử trong và ngoài nước, chỉ sau 10 tháng thi công đã tạm hoàn tất và khánh thành trọng thể vào ngày 08 tháng 02 năm Giáp Tuất (1994).

Ngoài ngôi chánh điện ở vị trí trung tâm, công trình còn có tham vấn đường, lầu chuông và nhà trưng bày bên phải; gác trống, nhà khách tăng, thư viện, thiền thất viện trưởng và thiền đường bên trái.

Để đến được chánh điện du khách có thể theo hai lối: hoặc từ bến đỗ xe theo cổng bên leo lên 61 bậc cấp, hoặc từ hồ Tuyền Lâm leo 222 bậc cấp qua 3 cổng tam quan để vào thẳng sân trước chánh điện. Trong chánh điện, giữa khoảng không gian cao rộng ngập tràn ánh sáng, chỉ tôn trí một pho tượng Đức Bổn Sư cầm hoa sen đưa lên – đây là hình ảnh của Đức Phật trong Pháp hội Linh Sơn, một ấn tượng về “có mà như không, không mà như có” của đạo thiền.

Thiền là pháp môn giúp chúng ta sống với sự “tỉnh thức”, đưa tâm trở về trạng thái an định. Thiền phái Trúc Lâm chú trọng sự tu tập nội tâm của bất cứ ai, dù đó là tu sĩ xuất gia hay người sống tại gia. Đường lối tu tập hướng nội dẫn đến thanh tịnh hoá bản thân, khiến lòng không còn vướng bận và tự tánh hiển lộ đây là tâm trạng thực sự an ổn trong chính mỗi người mà không phải tìm kiếm cực lạc ở tận phương trời nào xa xăm …

Vãn cảnh Thiền viện Trúc Lâm, trong cái tĩnh lặng mênh mông của núi đồi, du khách như được giải thoát khỏi những muộn phiền cố hữu, và bỗng gặp lại mình giữa đất trời bao la… Viện trưởng đương nhiệm là Hoà thượng Thích Thanh Từ.